ThienNhien.Net – Con đường xuyên rừng đại ngàn A Đăng (xã Tà Rụt, huyện Đakrông, Quảng Trị) do Công ty cổ phần khoáng sản (Cổ phần Khoáng sản) Đông Trường Sơn mở cách đây gần một năm. Hai bên đường này, bạt ngàn cây cối đã bị đốn hạ một cách không thương tiếc…
Rừng A Đăng cách trung tâm xã Tà Rụt chừng 5 cây số về phía Bắc. Khi chúng tôi đến bìa rừng thì bắt gặp một tổ công tác Kiểm lâm từ rừng quay ra. Tiếp tục đi thêm chừng cây số, chúng tôi thấy trâu và người đang kéo gỗ ầm ầm ra khỏi rừng. Đường rừng A Đăng chỗ nào cũng có dấu gỗ mòn trượt. Chỉ tay chỗ trâu và người đang kéo gỗ, chúng tôi hỏi người dẫn đường: “Gỗ này có hợp pháp?”. Anh ta lắc đầu. “Thế sao Kiểm lâm không bắt ?”- Tôi hỏi tiếp. “Mình không biết, họ (Kiểm lâm) vừa đi ra khỏi rừng”- Anh ta cười hềnh hệch đáp.
Sau gần 3 giờ đồng hồ khảo sát thực địa cho thấy, rừng A Đăng đã bị “xẻ” ra bởi 3 con đường lớn với tổng chiều dài gần 20 km. Hai bên đường, cây cối đều bị đốn hạ, chủ yếu là cây gõ và cây xoan đào. Người dẫn đường cho biết: “Bình thường không có các lực lượng chức năng vào rừng, ở đây chỉ nghe rặt âm thanh của máy cưa xèn xẹt cả ngày lẫn đêm”. “Họ khai thác rừng này từ lúc nào?”. “Từ khi Công ty Cổ phần Khoáng sản Đông Trường Sơn mở đường vào khoảng tháng 9/2011”- người dẫn đường nói rằng, anh ta có tham gia vào các lực lượng đẩy đuổi “lâm tặc”, nhưng kết quả thu được không mấy khả quan!…
Trước lúc vào rừng A Đăng, chúng tôi làm việc với ông Hồ Trọng Biên, Bí thư Đảng ủy xã Tà Rụt, ông Biên bảo: “Rừng đã bị chặt phá, khai thác từ trước, đến lúc Công ty Cổ phần Khoáng sản Đông Trường Sơn mở đường thì hoạt động này ồ ạt hơn thôi!”. “Nghĩa là theo anh, rừng A Đăng bị chặt phá không phải do Công ty Cổ phần Khoáng sản Đông Trường Sơn mở đường?”.
Ông Biên trả lời: “Đúng như vậy! Công ty này mở đường vào đó để thăm dò vàng, việc này đã được Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN&MT), UBND tỉnh Quảng Trị và huyện Đakrông đồng ý. Xã đã tổ chức họp dân 3 lần và dân cũng đã đồng ý” (?!). Ông Biên còn lưu ý: “Việc mở đường là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, phát triển kinh tế; còn việc phá rừng là do các cá nhân ở nơi khác tới” (?).
Liên quan đến sự việc, trả lời Đài PTTH Quảng Trị – Chuyên mục “Mỗi tuần, mỗi chuyện”, ông Kôn Liên nguyên Chủ tịch UBND xã Tà Rụt cho biết, ông đã báo cáo việc rừng A Đăng bị chặt phá với chính quyền xã. Theo đó, xã đã đề nghị Kiểm lâm huyện cùng phối hợp ngăn chặn, nhưng Kiểm lâm huyện không đồng ý, vì lý do phải đợi chỉ thị của UBND huyện hoặc cấp trên (?). Tuy nhiên, tìm hiểu của chúng tôi cho thấy, hoạt động khai thác trái phép rừng A Đăng đã và đang diễn ra nghiêm trọng, “lâm tặc” chủ yếu là người địa phương. Trong đó, thậm chí con ruột của ông Kôn Liên chính là một trong những “vệ tinh” rất đắc lực cho “lâm tặc” (!).
Từ khi Công ty Cổ phần Khoáng sản Đông Trường Sơn mở đường để thăm dò vàng ở A Đăng, một khối lượng gỗ lớn đã bị vận chuyển trái phép ra khỏi rừng. Gần đây, Kiểm lâm địa bàn phối hợp với các lực lượng Công an, Xã đội xã Tà Rụt đẩy đuổi “lâm tặc”, thu giữ gỗ bị khai thác trái phép, nhưng số lượng thu được không nhiều do các nhóm thanh niên ở A Đăng đã sử dụng các loại vũ khí gậy gộc, dao, rựa để ngăn cản…
Nói về việc mở đường của Công ty Cổ phần Khoáng sản Đông Trường Sơn dẫn tới việc “lâm tặc” có điều kiện hoành hành táo bạo ở A Đăng, ông Lê Phước Chưởng, Trưởng phòng TN&MT huyện Đakrông cho biết: “Phòng TN&MT huyện có tham gia trong quá trình đi theo các đoàn các ngành của tỉnh vào khảo sát tuyến đường trên, thấy việc mở đường là ảnh hưởng đến các loại rừng cũng như diện tích rừng. Nhưng thẩm quyền xử lý thuộc UBND tỉnh Quảng Trị và các ngành liên quan cấp tỉnh”.
Theo ông Chưởng, trong quá trình thăm dò vàng ở A Đăng, Công ty Cổ phần Khoáng sản Đông Trường Sơn không thực hiện các thủ tục pháp lý về thuê đất, cũng như chưa chuyển đổi diện tích rừng trên tuyến đường đã mở.