ThienNhien.Net – Liên Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa hoàn thành dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện bảo vệ phát triển rừng.
Theo đó, dự thảo quy định mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên theo quy định tại Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg bình quân là 200.000 đồng/ha/năm.
Còn mức khoán cụ thể sẽ do Bộ, ngành hoặc UBND cấp tỉnh quyết định cho phù hợp với tình hình thực tế (trừ những địa phương có quy định khác của Thủ tướng Chính phủ).
Mức khoán, diện tích khoán bảo vệ rừng; diện tích khoanh nuôi tái sinh tự nhiên cho các đối tượng phải được công bố công khai hàng năm tại UBND cấp xã.
Ngoài mức bình quân là 200.000 đồng/ha/năm, tùy theo điện kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định hỗ trợ thêm kinh phí cho khoán bảo vệ rừng.
Hợp đồng khoán có thời hạn từ 3 – 5 năm
Liên Bộ dự kiến việc khoán bảo vệ rừng, khoán khoanh nuôi tái sinh tự nhiên thực hiện thông qua hợp đồng khoán. Thời hạn hợp đồng khoán theo kế hoạch trung hạn 3 năm hoặc 5 năm. Riêng đối với hợp đồng khoán bảo vệ rừng theo quy định tại Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg còn hiệu lực thì tiếp tục thực hiện khoán theo hợp đồng đã ký.
Hợp đồng khoán được thực hiện giữa bên khoán là các chủ rừng nhà nước (gồm: Ban quản lý rừng phòng hộ, các đơn vị sự nghiệp quản lý rừng, Công ty lâm nghiệp) và bên nhận khoán là các hộ gia đình, cá nhân, hoặc cộng đồng dân cư thôn hay nhóm hộ dân cư trú hợp pháp trên địa bàn, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn ở khu vực biên giới không có dân cư sinh sống. Trong đó, dự thảo ưu tiên khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên cho đồng bào dân tộc tại chỗ theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.
Dự thảo thông tư hiện đang được công bố lấy ý kiến nhân dân.