ThienNhien.Net – Là địa phương có ngành chế biến hải sản tương đối phát triển từ nhiều năm qua, đem lại nguồn lợi kinh tế lớn và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động ở các vùng quê thuần nông, tuy nhiên, Bà Rịa- Vũng Tàu đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường do ngành chế biến hải sản gây ra.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, trên địa bàn tỉnh hiện có 178 cơ sở chế biến hải sản gồm 32 cơ sở chế biến hàng khô, 15 cơ sở chế biến bột cá, 31 cơ sở chế biến nước mắm và 38 cơ sở chế biến hàng đông lạnh xuất khẩu. Trong đó, 69 cơ sở quy mô lớn đã hoàn thành đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chiếm 38,76% nhưng chỉ mới có 15 cơ sở có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn xả ra môi trường. Vì vậy, hàng năm, ở những khu vực chế biến hải sản, hàng chục nghìn mét khối nước thải chưa xử lý đạt yêu cầu từ khâu chế biến đã bị thải ra môi trường.
Lượng chất thải phát sinh phụ thuộc vào thiết bị chế biến, mùa vụ khai thác hải sản và chất lượng nguyên liệu đầu vào. Một số cơ sở chế biến thủ công của các hộ gia đình hoạt động tự phát giữa khu dân cư và các địa điểm không được quy hoạch nên đã gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là ý thức của các chủ cơ sở sản xuất, đặc biệt là các cơ sở chế biến bột cá chưa quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải hoặc đầu tư nhưng không đạt chuẩn.
Qua kiểm tra thực tế, ở thành phố Vũng Tàu, huyện Xuyên Mộc…, ngành chức năng cho biết, hầu như các cơ sở không tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường. Các vi phạm chủ yếu là không làm đúng cam kết bảo vệ môi trường, không báo cáo giám sát định kỳ, chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thải nước thải chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường.
Có thể thấy, ngành chế biến hải sản của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đang đối mặt với vấn đề nan giải, đó là ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chế biến hải sản. Ngoài nguyên nhân gây ô nhiễm là do tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu hiện rất thiếu các khu chế biến tập trung thì các chủ cơ sở sản xuất chế biến hải sản vẫn chưa quan tâm đúng mức cho việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo đúng quy trình.
Theo ông Trần Văn Một, Phó Ban Kinh tế ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, tình hình ô nhiễm môi trường do chế biến hải sản trên địa bàn tỉnh là vấn đề đáng quan tâm. Cơ quan chức năng nhiều lần kiểm tra, xử phạt nhưng tình trạng ô nhiễm không hề giảm, trong khi các chủ cơ sở chế biến lần nào cũng hứa và cam kết sẽ khắc phục.
Được biết, hiện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, huyện Long Điền là địa bàn có số lượng cơ sở chế biến hải sản nhiều nhất tỉnh với 68 cơ sở, tiếp đó là thành phố Vũng Tàu 59 cơ sở, huyện Tân Thành 22 cơ sở, huyện Đất Đỏ 11 cơ sở, huyện Xuyên Mộc 11 cơ sở và thành phố Bà Rịa có 7 cơ sở.