ThienNhien.Net – Theo Báo cáo “Ứng phó với thiên tai và rủi ro do thiên tai gây ra” mới được công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết sẽ làm nhiều hơn nhằm giúp các quốc gia trong khu vực ứng phó với thiên tai.
ADB cho rằng, để ứng phó với thiên tai, cần phương pháp tiếp cận theo hai hướng: “Một là nâng cao năng lực khắc phục thảm họa; hai là chuẩn bị tốt nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và các biện pháp nhằm giảm thiểu những tác động có thể có”.
Ngân hàng có trụ sở tại Manila này dự định đóng vai trò trung tâm trong tài trợ cho các rủi ro do thiên tai gây ra, điều phối viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật nhằm phòng chống thiên tai. Theo ADB, hỗ trợ ban đầu về tài chính nhằm ứng phó với thiên tai đang tiến hành ở các nước đang phát triển thuộc khu vực Đông Nam Á “cần được thúc đẩy hơn”. ADB hiện thảo luận với Bộ Tài chính Nhật Bản, nhằm xây dựng một chương trình hợp tác với Ngân hàng Thế giới trong ứng phó với các rủi ro tài chính do thiên tai gây ra và bảo hiểm cho các nước ASEAN.
Theo Báo cáo trên, giai đoạn từ 1980-2009, khu vực châu Á – Thái Bình Dương tạo ra gần 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới nhưng lại phải hứng chịu 38% thiệt hại kinh tế vì thiên tai toàn cầu. 20 năm qua, châu Á gánh một nửa thiệt hại về kinh tế do thiên tai trên toàn thế giới, tức thiệt hại khoảng 927 tỉ USD. Trung bình mỗi năm, khu vực này chịu thiệt hại hơn 40 tỉ USD do thiên tai. Báo cáo viết: “Sự gia tăng tần suất thiên tai xảy ra ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương với những tổn thất lớn về con người và kinh tế, khiến sự phát triển kinh tế ở khu vực này gặp rất nhiều rủi ro. Các quốc gia ở khu vực này cần nỗ lực hơn trong phát triển khả năng, nâng cao năng lực chuẩn bị nhằm ứng phó với thiên tai”.
Nội dung của Báo cáo cũng đề cập, các quốc gia trong khu vực này gặp rủi ro cao, cả thiệt hại về nhân mạng lẫn kinh tế do thiên tai gây ra là Việt Nam, Băngla Đét và Philíppin.
Trong nhóm 10 nước gặp rủi ro cao còn có Thái Lan, Inđônêxia, Trung Quốc và Ấn Độ. Trung Quốc có 671 triệu người sống trong các khu vực gặp rủi ro do thiên tai, sản xuất ra 57% GDP của nước này; trong khi với Ấn Độ con số này là 571 triệu người và 50%.
Báo cáo cho rằng, ADB cần áp dụng phương pháp tiếp cận tổng hợp các hoạt động khắc phục thiên tai, thay vì chỉ giúp khôi phục và mở rộng cơ sở hạ tầng nhằm phục hồi các nguồn sinh kế chủ yếu. ADB cũng “cần tích hợp chương trình ứng phó biến đổi khí hậu với chương trình phòng chống thiên tai, nhằm nâng cao năng lực trên cả hai lĩnh vực này”.