ThienNhien.Net – Trong khi các yêu cầu thủ tục phục vụ điều tra như hồ sơ thiết kế, hồ sơ thi công… vẫn chưa nộp đầy đủ cho cơ quan chức năng thì mới đây, Công ty Cổ phần thủy điện Hồng Phát Đắk Mek (Công ty Hồng Phát) lại xin UBND tỉnh Kon Tum được tiếp tục thi công tại công trình thủy điện Đắk Mek 3 (bị vỡ sập đập ngày 22/11).
Lộ nhiều sai phạm
Văn bản trên do ông Lê Bá Thanh – Tổng giám đốc Công ty Hồng Phát – ký ngày 24/12 xin được tiến hành thu dọn hiện trường, đồng thời tiếp tục thi công những hạng mục khác ngoài đập tràn của công trình thủy điện Đắk Mek 3 như: Kênh, nhà đặt máy, đường ống áp lực.
Trong khi đó, theo ông Đỗ Hoàng Liên Sơn – giám đốc Sở Xây dựng Kon Tum, đơn vị được UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo việc thu thập các tài liệu từ các đơn vị liên quan vụ sập đập này – thì: “Các hồ sơ mà cơ quan chức năng yêu cầu Công ty Hồng Phát cung cấp hiện vẫn chưa đầy đủ, trong khi UBND tỉnh Kon Tum giao hạn là ngày 01/12/2012”.
Trong vòng gần 1 tháng qua, các đơn vị liên quan như Công ty TNHH Tư vấn – Xây dựng Đại An, Công ty cổ phần Tư vấn -Xây dựng thủy lợi – thủy điện Nam Việt đều có phản hồi tới chính quyền tỉnh Kon Tum cũng như chủ đầu tư về việc Công ty Hồng Phát làm ảnh hưởng tới uy tín của họ. Cụ thể, Công ty Nam Việt (đơn vị tư vấn) cho rằng “việc thi công đập của nhà đầu tư khác với hồ sơ thiết kế của đơn vị tư vấn. Tại thời điểm hiện nay, đơn vị tư vấn cũng chưa được chủ đầu tư trả lời chính thức về việc thi công theo hồ sơ thiết kế nào”.
Còn Công ty TNHH Tư vấn – Xây dựng Đại An cũng đã có báo cáo với UBND tỉnh Kon Tum khẳng định, Công ty này không thực hiện công tác tư vấn thẩm tra hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công công trình thủy điện Đắk Mek 3. Công ty này cũng khẳng định về con dấu đã thẩm tra (hình chữ nhật, là dấu không được cơ quan công an cấp và quản lý) đóng trên tập bản vẽ trắc ngang, trắc dọc tuyến năng lượng của công trình thủy điện Đắk Mek 3 mà Sở Xây dựng tỉnh Kon Tum đang lưu trữ không phải là con dấu đã thẩm tra của Công ty Đại An đang sử dụng từ trước cho đến nay.
Trở lại những sai phạm trong thi công công trình thủy điện Đắk Mek 3, ông Lê Thanh Bình – Trưởng phòng quản lý xây dựng, Sở Xây dựng tỉnh Kon Tum – cho hay: “Ngoài những sai phạm đã rõ thì Công ty Hồng Phát còn có biểu hiện chối quanh”. Đơn cử, phòng thí nghiệm chất lượng công trình (mác bêtông, chất lượng vữa…) ngay tại công trình này không có. Tuy nhiên khi được hỏi thì Công ty Hồng Phát báo cáo có phòng thí nghiệm tại Đà Nẵng, thế nhưng khi sở yêu cầu báo cáo các thử nghiệm chất lượng công trình (từ phòng thí nghiệm) thì Cty này không đưa ra được.
Xây đập thủy điện như xây nhà
Từ những hé lộ về thiếu hồ sơ thiết kế, hồ sơ tư vấn, nghi ngờ về con dấu như trên đặt ra một vấn đề là chủ đầu tư qua mặt được cơ quan quản lý để đấu thầu và xây dựng công trình thủy điện? Ông Bùi Văn Cư -Phó giám đốc Sở Xây dựng Kon Tum cho hay: “Chủ trương xây dựng ban đầu thì chủ đầu tư lập dự án cộng với hồ sơ thiết kế cơ sở rồi trình với sở và sở tham mưu cho tỉnh. Còn trước khi sự việc vỡ lở (đổ sập) thì không có một đơn vị nhà nước nào có các loại hồ sơ thiết kế chi tiết, hồ sơ thiết kế thi công…”.
Đại diện các lãnh đạo sở đều cho hay, với các quy định cũng như nghị định do Chính phủ ban hành hiện hành cho việc xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ thì các cơ quan chức năng liên quan đều phải đứng ngoài. Ông Cư dẫn chứng, xây đập thủy điện tư nhân cũng như xây cái nhà dân dụng vậy. Chủ đầu tư có quyền chỉ định đơn vị tư vấn, giám sát, thi công; đơn vị nhà nước không thể có quyền tham gia.
Điều này cũng được nhiều người có thẩm quyền chỉ ra rằng, với các quy định như hiện nay (về xây dựng thủy lợi, thủy điện nhỏ) thì giao quyền cho tư nhân quá lớn; cần có những thay đổi để quản lý chặt việc thi công ẩu như đã xảy ra.
Sở Xây dựng Kon Tum cho biết, ngày 26/12, Viện Kỹ thuật công trình thuộc ĐH Thủy lợi Hà Nội đã khảo sát và đánh giá xong chất lượng công trình thủy điện Đắk Mek 3 và sẽ sớm có kết quả trả lời.