ThienNhien.Net – Ngày 28/12, Sở Tài nguyên – Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực bảo vệ môi trường năm 2012.
Bên cạnh việc kiểm tra đột xuất một số doanh nghiệp gây ô nhiễm theo khiếu nại của người dân, Sở đã phối hợp với các quận – huyện kiểm tra theo kế hoạch 193 doanh nghiệp. Qua đó, sở đề xuất xử lý 67 trường hợp vi phạm với số tiền 2,8 tỉ đồng, đề xuất UBND Thành phố ban hành quyết định cưỡng chế 8 đơn vị vi phạm kéo dài, liên tục. Hiện vẫn còn 2 doanh nghiệp thuộc diện ô nhiễm nghiêm trọng vẫn chưa khắc phục triệt để là Nhà máy Xi măng Hà Tiên (Bộ Xây dựng) và xưởng đóng tàu Ba Son (Bộ Quốc phòng), Thành phố đã đề nghị cơ quan chủ quản xử lý.
Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường cho biết, phía doanh nghiệp than phiền về tần suất kiểm tra môi trường dày đặc của các cơ quan chức năng đã làm ảnh hưởng đến hoạt động của họ. Đơn cử, năm 2012, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) đã kiểm tra gần 20 doanh nghiệp hành nghề vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại trùng đợt và danh sách thanh tra của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường).
Lý giải về điều này, bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường cho biết, ngay trong nội bộ sở đã có 4 lực lượng kiểm tra các doanh nghiệp (gồm thanh tra sở và 3 phòng chức năng của Chi cục Bảo vệ môi trường). Việc kiểm tra của 4 đơn vị này cũng thường “giẫm chân” lẫn nhau do thiếu phối hợp, trong khi phần hậu kiểm chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp chây ì, tái phạm. Hiện vẫn còn khá nhiều điểm nóng ô nhiễm gây bức xúc dư luận chưa được xử lý triệt để, như cụm cơ sở tẩy nhuộm ở khu phố 4, 5, phường Đông Hưng Thuận, quận 12; Công ty CP Thuộc da Hào Dương (Khu công nghiệp Hiệp Phước – Nhà Bè); Tổng Công ty Dệt Việt Thắng (quận Thủ Đức)…
Đại diện quận 12 cho rằng hiệu quả xử lý ô nhiễm chưa triệt để do nhiều doanh nghiệp trên địa bàn quận được Sở Tài nguyên – Môi trường cấp phép nên dù muốn quận vẫn không thể vào kiểm tra được. Không đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường nêu cụ thể trường hợp của phường Đông Hưng Thuận, sở đã tham mưu Thành phố ban hành một số quyết định xử phạt và khoảng 10 quyết định cưỡng chế hoạt động. Các quyết định sau đó đều đưa về địa phương giám sát, hậu kiểm. “Đây là trách nhiệm của quận, không thể đổ cho sở được” – bà Dụ khẳng định.