ThienNhien.Net – Rừng A Đăng, thuộc xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị có mật độ che phủ và trữ lượng gỗ lớn như: Gõ, dỗi, chũa, đào…, song 1 năm trở lại đây, những cánh rừng này bị tàn phá một cách không thương tiếc.
Cơ quan chức năng vào cuộc đẩy, đuổi “nạn” phá rừng này lập tức bị các đối tượng khai thác gỗ trái phép tấn công, chống trả quyết liệt. Có nhiều đợt truy quét, lực lượng chức năng buộc phải nổ súng cảnh cáo, nhưng rừng ở A Đăng vẫn không ngừng chảy máu.
Rừng đầu nguồn chảy máu
Đường vào rừng A Đăng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị những ngày này ầm ầm tiếng cưa máy, tiếng cây đổ, tiếng muông thú đi tìm nơi ở mới. Tất cả là do “lâm tặc” kéo vào khu rừng già khai thác gỗ trái phép.
Sau hơn 1 giờ đồng hồ vượt qua suối sâu, dốc cao trước mắt chúng tôi là ngổn ngang những cây cổ thụ như: Gõ, dỗi, chũa có đường kính từ 80cm trở lên và dài hơn 20m bị đốn hạ, cắt khúc chờ để vận chuyển ra khỏi rừng. Tiến sâu vào khu vực rừng A Đăng, PV báo Pháp luật & Xã hội bắt gặp cảnh “lâm tặc” dùng trâu kéo gỗ khai thác trong rừng ra bãi tập kết như chốn không người.
Một Công an viên xã Tà Rụt đi cùng đoàn với chúng tôi cho hay, ngày nào cũng vậy, mà nói đúng hơn là kể từ khi (ngày 10/8/2011) tỉnh Quảng Trị cho phép Công ty Cổ phần Đông Trường Sơn vào khu rừng này thăm dò trữ lượng vàng thì rừng A Đăng chưa có một ngày bình yên.
Lý do mà anh Công an viên này đưa ra: Từ bao đời nay, đường vào rừng A Đăng chỉ là những con đường mòn để dân bản đi lại, làm rẫy…, song từ ngày Công ty trên vào đây tiến hành thăm dò vàng đã được lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cho phép mở một con đường rộng trên 5m đã tạo điều kiện cho “lâm tặc” đưa ô tô vào tận cửa rừng để vận chuyển gỗ.
Kể từ ngày được phép thăm dò vàng, Công ty CP Đông Trường Sơn còn khai thác rừng trên tuyến đường mở đi qua.
Tuy nhiên, cho đến đầu tháng 5/2012, việc thăm dò vàng của Công ty này không tiến hành nữa nhưng không báo cáo với các cơ quan chức năng địa phương nên một lần nữa tạo điều kiện thuận lợi cho “lâm tặc” tiến sâu vào rừng khai thác gỗ trái phép.
Ngăn phá rừng bị… “lâm tặc” tấn công
Theo báo cáo của UBND xã Tà Rụt, trong những lần gần đây, lực lượng chức năng gồm: Kiểm lâm, CA xã, lực lượng dân quân địa phương tiến hành ngăn chặn “lâm tặc” phá rừng đều bị các đối tượng phá rừng tấn công với những hung khí như: Rựa, dao, gậy gộc.
Nghiêm trọng nhất là đợt truy quét “lâm tặc” tại rừng A Đăng vào ngày 10/12/2012, lực lượng cán bộ chức năng tại xã Tà Rụt đã bị 12 đối tượng “lâm tặc” dùng gậy gộc, dao… lao vào tấn công. Vụ tấn công chỉ được ngăn chặn khi cán bộ kiểm lâm buộc phải nổ súng chỉ thiên.
Tuy nhiên, ngay sau đó, một số cán bộ kiểm lâm tại xã Tà Rụt bị một số đối tượng lái xe chở gỗ lao thẳng vào người, rất may các cán bộ kiểm lâm đã tránh kịp.
Theo ông Lợi, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Tà Rụt cho biết, “lâm tặc” hoạt động tại rừng A Đăng hiện rất tinh vi và táo tợn. Ngoài việc tấn công cán bộ chức năng, chúng còn xây dựng một hệ thống “vệ tinh”. Mỗi khi phát hiện bóng của cán bộ chức năng lập tức chúng báo cho đồng bọn thu dọn hiện trường và vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Hồi đầu, cán bộ kiểm lâm đã tiến hành cải trang thành người dân thì cũng bắt được một vài vụ phá rừng, song những ngày này hễ cán bộ chức năng xuất phát vào rừng là “lâm tặc” đã biết. Kiểm lâm chuyển qua phương án là thu máy cưa để hạn chế “lâm tặc” vào rừng đốn gỗ. Nhưng trên thực tế, việc này cũng không thể hạn chế được tình rạng phá rừng. Lý do, là các đối tượng chủ yếu là người địa phương (đồng bào dân tộc), sau khi bị thu cưa, các đối tượng “lâm tặc” lại về ngân hàng chính sách vay tiền mua cưa máy tiếp tục vào rừng chặt gỗ. Trong khi đó, lực lượng cán bộ kiểm lâm địa bàn quá mỏng, không thể quản lý được.
Ông Lợi kiến nghị, để giữ được rừng đầu nguồn A Đăng, các cơ quan chức năng cần quan tâm chú trọng vào việc tuyên truyền và tạo công ăn việc làm, đặc biệt là con em đồng bào dân tộc thiểu số.