Kiên Giang: Cần dừng lại đúng lúc để bảo tồn và khôi phục môi trường sinh thái

ThienNhien.Net – Tại Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang- Việt Nam” do UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Đức tại Việt Nam tổ chức tại huyện đảo Phú Quốc mới đây, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã đóng góp nhiều ý kiến quí báu về vấn đề bảo tồn và khôi phục môi trường hệ sinh thái tại khu vực quan trọng này.

Các hệ sinh thái vùng núi đá vôi ở huyện Kiên Lương là vấn đề được nhiều nhà khoa học quan tâm. Có ý kiến yêu cầu dừng ngay lại việc khai thác đá để làm vật liệu xây dựng của các công ty xi măng và khôi phục lại các hệ sinh thái này. Có đại biểu cho rằng, các doanh nghiệp du lịch ở Kiên Giang khi khai thác các tua tuyến du lịch chưa tôn trọng các quy định bảo tồn. Vì vậy, cần quy hoạch du lịch thân thiện với môi trường như: không nên phát triển ồ ạt xe ô tô, xe gắn máy ở Phú Quốc, thay vào đó là phát triển hệ thống xe đạp phục vụ du lịch và giữ gìn môi trường… GS.TSKH. Vũ Quang Côn, Ủy viên Hội đồng Văn hóa Quốc gia nói: “Kiên Giang còn sót lại một ít núi đá vôi cực đẹp, chúng ta không nên sử dụng nó để làm vật liệu xây dựng. Ở đây có các nhà máy xi măng và chính nó đã tiêu diệt các ngọn núi đá vôi này”.

291212_BTTN_kiengiang
(Ảnh minh họa: vinhphuc.gov.vn)

Các nhà khoa học trong và ngoài nước khuyến nghị, cần đưa Kiên Giang vào chương trình giảm nhẹ thích ứng và biến đổi khí hậu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; đưa Kiên Giang vào chương trình kế hoạch hóa sử dụng biển, kế hoạch hóa không gian biển trong chương trình chung của UNESCO… Sau khi được trao bằng công nhận khu dự trữ sinh quyển, Kiên Giang cần triển khai cụ thể việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm địa phương để phục vụ du lịch, đời sống. Đặc biệt, Kiên Giang cần điều chỉnh ngay các quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế dựa trên bảo tồn. Theo các nhà khoa học, Kiên Giang cần biết dừng lại các dự án phát triển kinh tế ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo tồn hệ sinh thái ở các khu dự trữ sinh quyển.

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Ninh, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục môi trường và phát triển cho rằng: Cần bảo tồn và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương như thế nào cho hợp lý. Chúng ta vẫn còn là một đất nước nghèo nên không thể cái gì cũng bảo tồn, mà phải phát triển kinh tế – xã hội. Vấn đề là chúng ta phát triển kinh tế – xã hội như thế nào, đừng vi phạm thô bạo hệ sinh thái đang có – đây là một thách thức.

Hội thảo đã nêu bật được những giá trị của khu dự trữ sinh quyển, những điều mà tỉnh Kiên Giang cần phải làm trước mắt cũng như trong tương lai, để đảm bảo được mục tiêu của khu dự trữ sinh quyển. Tuy nhiên, những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học mới chỉ đề cập mạnh đến những vấn đề khoa học và những vấn đề thuộc tư tưởng. Có bảo tồn và phát huy được các giá trị của khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang hay không, còn tùy thuộc vào sự quyết tâm và những quyết sách đúng đắn của địa phương.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang được UNESCO công nhận vào năm 2006. Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang được đề cử với ba vùng lõi thuộc các Vườn quốc gia U Minh Thượng, Phú Quốc, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Chông và đai rừng ngập mặn ven biển Tây. Tổng diện tích của Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang là 1.188.104 ha, trong đó vùng lõi 36.935 ha, vùng đệm 172.578 ha và vùng chuyển tiếp 978.591 ha. Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang là khu dự trữ sinh quyển lớn thứ 2 trong 8 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam.

Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang chứa đựng sự phong phú, đa dạng, đặc sắc về cảnh quan và hệ sinh thái, từ rừng tràm trên đất ngập nước, rừng trên núi đá, núi đá vôi đến hệ sinh thái biển, trong đó tiêu biểu là thảm cỏ biển gắn liền với loài động vật quý hiếm là bò biển… Đây là khu dự trữ sinh quyển thứ 5 của Việt Nam được UNESCO công nhận.