ThienNhien.Net – Vẫn chưa hoàn toàn yên tâm, song các chuyên gia cho rằng Sơn La sẽ không xảy ra động đất giống như Sông Tranh 2. Công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á này cũng được kỳ vọng giúp đáp ứng đủ nhu cầu điện 2013.
Tuy nhiên, theo PGS.TS. Cao Đình Triều, chuyên gia Viện Vật lý địa cầu, Thủy điện Sơn La vẫn phải tiếp tục nghiên cứu động đất kích thích và “không nên chủ quan”.
Ngày 23/12, Thủy điện Sơn La hòa lưới quốc gia sau hàng thập kỷ khảo sát, nghiên cứu và thi công xây dựng. Với vốn đầu tư hơn 60.000 tỷ đồng, Sơn La để lại nhiều dấu ấn với kỷ lục về hồ chứa nước lớn nhất, công trình to nhất, hoàn thành kế hoạch sớm nhất.
Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định, với công suất 2.400 MW một năm, trước mắt nhà máy thủy điện Sơn La có thể gánh được phần nào tình trạng thiếu điện. Năm 2012 thủy điện Sơn La hòa lưới sẽ không còn tình trạng thiếu điện và đến năm 2013 điện cũng sẽ đủ.
“Công suất khả dụng hiện có của Việt Nam đạt khoảng trên 18.000 MW, năm sau cần thêm 2.100 đến 2.700 MW. Như vậy công suất 2.400 MW của Thủy điện Sơn La có thể đáp ứng được”, vị lãnh đạo này nói.
Tuy nhiên do nhu cầu điện mỗi năm tăng khoảng 12-15% mỗi năm, trong khi đó công suất nhà máy Sơn La không thay đổi nên về lâu dài “khó có thể khẳng định sẽ không còn tình trạng thiếu điện”. “Do vậy cần tiếp tục đầu tư và tăng cường sử dụng tiết kiệm mạnh để tránh tình trạng nhu cầu tiêu thụ điện năng lên quá cao”, ông nói.
Vấn đề quan tâm lớn nhất với Thủy điện Sơn La đó là an toàn của hệ thống đập trong trường hợp động đất, khi mà Sông Tranh II đang gây nhiều lo lắng cho người dân quanh nhà máy. Câu chuyện này cũng từng gây tranh cãi trước khi Chính phủ và Quốc hội thông qua chủ trương triển khai đầu những năm 2000.
Theo Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng, hồ sơ thiết kế kỹ thuật công trình thủy điện Sơn La đã được 2 đơn vị tư vấn có kinh nghiệm là Công ty Tư vấn Đại học Xây dựng và Công ty Tư vấn Nippon Koei (Nhật Bản) thẩm tra điều kiện địa chất công trình, thiết kế kết cấu thân đập, thiết kế thủy lực, đánh giá vật liệu bê tông đầm lăn… Riêng về thiết kế kháng chấn, đơn vị tư vấn thiết kế đã sử dụng số liệu động đất cấp 9 ứng với chu kỳ lặp 10.000 năm để tính toán.
Trước đó, thủy điện Sơn La gây nhiều tranh cãi về vấn đề động đất, vỡ đập. Chính phủ, trước sự phản đối quyết liệt của giới khoa học với phương án Sơn La cao (265 m) như tính không an toàn, không an ninh và ảnh hưởng nghiêm trọng môi sinh, đã thống nhất chọn Sơn La thấp (210-215 m) nhằm mang lại hiệu quả kinh tế năng lượng, chống lũ, điều tiết nước cao hơn. Sau nhiều lần họp, Quốc hội thông qua dự án thủy điện sơn La thấp nhưng tiếp tục điều chỉnh mực nước dâng, từ 210-215 m xuống còn 205-215. |
Trao đổi với VnExpress.net, PGS-TS Cao Đình Triều, chuyên gia Viện Vật lý địa cầu cho rằng: “Kịch bản động đất ở Sơn La sẽ không xảy ra như ở Sông Tranh 2“.
Động đất năm 1983 ở gần khu vực dự kiến xây Sơn La khiến công trình lớn nhất Đông Nam Á đặc biệt lưu tâm về vấn đề an toàn đập thủy điện trước khởi công. Nhưng ông Triều tin tưởng cho rằng các nguy cơ có thể được cảnh báo sớm nhờ Sơn La ngày nay đã lắp đặt hệ thống quan trắc từ trước, điều mà Thủy điện Sông Tranh 2 chỉ thực hiện sau các vụ động đất liên tiếp ngày 19/10 vừa qua.
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Trần Viết Ngãi cũng đồng tình cho rằng không có gì đáng lo ngại khi vận hành Thủy điện Sơn La. “Chỉ cần theo dõi đập và trạm quan trắc để đề phòng chống động đất kích kích. Ngoài ra, cần lưu ý quy trình xã lũ cũng như quy trình chống hạn. Làm tốt hai điều này, công trình đảm bảo an toàn”, ông nói.
Tuy nhiên, theo ông Triều, Thủy điện Sơn La vẫn phải tiếp tục nghiên cứu động đất kích thích và “không nên chủ quan”. Ông Triều nhấn mạnh trên hệ thống Sông Đà có nhiều nhà máy thủy điện lớn được xây dựng đúng theo quy hoạch bậc thang như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu… Bởi vậy, vấn đề quan trọng là phải điều tiết nước trên hệ thống tốt, đặc biệt quan tâm đến việc điều tiết vận hành cụm công trình trên một dòng sông đã có nhiều nhà máy thủy điện.
“Cần phải có hệ thống điều hành liên hoàn đập để đề phòng trường hợp xấu nhất là vỡ đập tầng trên. Thảm họa vỡ đập ở Bản Kiều của Trung Quốc đã từng xảy ra là một kinh nghiệm xương máu cho nhiều quốc gia. Cần có hệ thống điều tiết liên hoàn hồ chứa đập để có cái nhìn tổng thể về quy hoạch bậc thang của cả sông Đà”, ông Triều phân tích.
Vỡ đập ở Bản Kiều của Trung Quốc đã từng xảy ra là một thảm họa công trình xây dựng lớn nhất lịch sử thế giới. Năm 1975, 62 đập nước, đặc biệt là con đập trên, vỡ tan sau trận siêu bão ở thành phố Trú Mã Điếm thuộc tỉnh Hà Nam. Ảnh hưởng của bão khiến những trận mưa lớn kéo dài, làm mực nước ở vùng thượng lưu của các con sông trong vùng nhanh chóng dâng cao, gây sức ép lên các hồ chứa nước và dần biến thành lũ lớn. Con đập ở trên cao vỡ tan tạo ra cơn đại hồng thủy phá hủy hoàn toàn đập Bản Kiều.
Theo ông Triều việc đánh giá biến động môi trường của lưu vực Sông Đà cũng cần phải theo dõi thường xuyên để có một nghiên cứu về đập liên hoàn cũng như hiện tượng xã lũ để có phương án ứng cứu khẩn cấp khi xảy ra hiện tượng vỡ đập.
“Đập cao khi bị vỡ sẽ giống như lũ quét, bởi vậy khi vận hành không nên đơn lẻ mà phải nghiên cứu đến từng hệ thống. Cần theo dõi tai biến địa chất liên quan như động đất kích thích, nứt sụt đất, trượt lở đất”, ông Triều khuyến cáo.