ThienNhien.Net – Nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, năm 2011, UBND tỉnh Phú Thọ đã ký 5 nội dung cam kết chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản với các doanh nghiệp thông qua Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Sau 1 năm thực hiện cho thấy, việc chấp hành các nội dung cam kết, các quy định pháp luật về thực hiện khai thác theo thiết kế, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn lao động, các quy định về vật liệu nổ công nghiệp, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội của các doanh nghiệp ngày càng nghiêm túc, chặt chẽ và hiệu quả cao.
Tuy nhiên, việc thực hiện ký cam kết với các doanh nghiệp trong năm qua vẫn còn tồn tại như: Một số doanh nghiệp đã được cấp phép nhiều năm nhưng tiến độ triển khai quá chậm, thậm chí có doanh nghiệp chưa triển khai. Một số doanh nghiệp chưa chấp hành các quy định pháp luật cũng như các nội dung cam kết đã ký. Cơ sở hạ tầng một số tuyến huyện, xã bị xuống cấp, nhất là các tuyến tỉnh lộ, tuyến đường liên thôn, liên xã có khu vực mỏ đá, mỏ sắt. Nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, sạt lở đất, bãi thải, mất an toàn lao động vẫn còn cao…
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại này được nhận định: Do các DN gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để tái đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Thủ tục thu hồi giao đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, ký hợp đồng thuê đất hiện nay còn có những bất cập do vi phạm điều chỉnh của các luật liên quan. Việc thẩm định đơn giá đất còn lòng vòng, phức tạp, đặc biệt đối với việc thuê đất, mặt nước không cố định trong khai thác cát sỏi lòng sông.
Mặt khác, nhận thức của một số doanh nghiệp về các quy định của pháp luật và nội dung cam kết chưa đầy đủ. Nhiều đơn vị cho rằng đã có công trình môi trường thì được phép hoạt động mà không phải báo cáo cơ quan thẩm quyền; hoặc xuất, bán sản phẩm tại mỏ cho các đơn vị thu mua thông qua hợp đồng kinh tế thì không cần đăng ký tuyến đường vận tải tiêu thụ, tải trọng lưu hành trên đường tiêu thụ… Công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa đầy đủ, kịp thời, thiếu kiên quyết nên chưa đủ sức ngăn chặn các hành vi vi phạm…
Ông Hoàng Như Lô, Trưởng phòng Quản lý khoáng sản (Sở TN&MT) cho biết: Tính đến thời điểm này, ngành đã kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường tại 487 cơ sở hoạt động khoáng sản; thanh tra 16 cơ sở; xử phạt hành chính 205 cơ sở.
Được biết, Phú Thọ hiện có 138 mỏ khoáng sản đã được Bộ Công thương, Bộ TN&MT và UBND tỉnh cấp phép hoạt động. Trong đó, 35 mỏ đá xây dựng, 3 mỏ đá sét làm phụ gia, 4 mỏ đá vôi, 22 mỏ khoáng chất công nghiệp, 34 mỏ sét làm gạch ngói, 13 mỏ sắt, 23 mỏ cát lòng sông…