ThienNhien.Net – Khu công nghiệp (KCN) Hòa Trung bốc mùi hôi thối, nước xả thải đen ngòm, tanh hôi, làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt và hoạt động sản xuất của người dân.
Hôi thối, nước sông đổi màu
Mùi hôi thối từ khí thải và nước thải các xí nghiệp chế biến đầu vỏ tôm đã thành mùi “đặc trưng” của KCN Hòa Trung, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Những người đi ngang qua đây, một tay phải bịt mũi, một tay lái xe phóng cho thật nhanh để tránh mùi hôi thối rất khó chịu.
Bà Nguyễn Thị Sơn, 60 tuổi, ở ấp Hòa Trung, có 3 công đất nuôi tôm nhưng không dám lấy nước vì ô nhiễm, chỉ giữ nước tự nhiên, có con cá, con tôm thì bắt ăn. Bà Nguyễn Thị Sơn có người chồng bệnh nặng, rồi chết, phải đưa đi chôn ở Ngã Năm (Sóc Trăng) vì sợ bị giải tỏa và mùi hôi thối.
Gia đình ông Trần Công Minh, ở ấp Hòa Trung, xã Lương Thế Trân (Cái Nước) có 7 người thì có 4 người viêm mũi mãn tính. Công ty Kim Hồng dùng a-xít phân hủy đầu vỏ tôm, khói a-xít bay khắp khu dân cư.
Cô thợ may Hồng Cẩm mở hiệu may tại gia nói: “Hôm trước, cháu của tôi là Trần Thị Linh Lanh, 3 tuổi, hít khí thải, bị sặc phải cấp cứu, thở ô-xy mấy ngày. Cha mẹ tôi giận quá, điện báo cho UBND xã Lương Thế Trân vụ việc nhưng rồi cũng qua, không giải quyết”.
Công ty CP Quốc tế JBICHEM Cà Mau chế biến đầu vỏ tôm, chưa được cấp phép về môi trường theo quy định. Bà Lâm Thị Khéo, 57 tuổi, ở ấp Hòa Trung, xã Lương Thế Trân (Cái Nước) nói: “Em tôi bán một phần đất, vì nghe họ nói xây dựng xí nghiệp chế biến tôm xuất khẩu, sẽ có việc làm cho con cháu. Nhưng khi họ xây dựng xí nghiệp chế biến đầu vỏ tôm, thối rình”.
Các xí nghiệp chế biến thủy sản KCN Hòa Trung đều có đường xả nước thải bằng ống nhựa, chui dưới lòng đất, xuyên qua đường giao thông, xả xuống kinh xáng Lương Thế Trân.
Từ đây, nước kinh xáng Lương Thế Trân pha lẫn, hòa với nước sông rạch của TP Cà Mau, huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Trần Văn Thời ảnh hưởng đến sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản của hàng ngàn hộ dân.
Liên tục mấy ngày qua, PV báo Tiền Phong quan sát được ống xả nước thải của Công ty Kim Hồng, Công ty Cổ phần Quốc tế JBICHEM Cà Mau… xả nước đen ngòm, tạo thành 2 màu đen và trắng đục trên kinh xáng Lương Thế Trân.
Liên lạc với Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường Cà Mau để báo cáo sự việc, những người có trách nhiệm cho biết đã kiểm tra, đang chờ kết quả để xử lý.
Chi cục Bảo vệ môi trường Cà Mau cho biết, các doanh nghiệp chế biến thủy sản KCN Hòa Trung đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường, hệ thống xử lý nước thải. Nhưng các doanh nghiệp có vận hành xử lý, nước thải đạt tiêu chuẩn thải ra môi trường hay không chưa nhận được câu trả lời.
Ông Phạm Văn Toản, ở ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú (Cái Nước) nhiều năm nay, đại diện hơn 100 người đi kiện về vấn đề mùi hôi thối từ không khí, từ nước thải nhưng không kết quả.
Ông Toản nói: “Chúng tôi phát hiện sông đổi màu đen ngòm, cá tôm chết là do các xí nghiệp xả thải ra sông. Bà con nuôi tôm không dám lấy nước nuôi tôm, tôm chết, đi thưa kiện mà không có kết quả”.
Dân đập phá nhà máy
Ông Trần Quốc Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Thế Trân (Cái Nước) nói: “Chúng tôi có tổ môi trường. Bà con tố cáo xí nghiệp xả mùi hôi thối, xả nước bẩn ra môi trường. Anh em đến kiểm tra, lập biên bản, rồi quay về. Thẩm quyền xử phạt vi phạm xả thải hôi thối, xả nước thải bẩn ra môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau”.
Ông Trần Quốc Văn cho biết, khi các xí nghiệp xử lý đầu vỏ tôm, khí a- xít giăng mờ đường, mùi rất khó chịu. Cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân bị đảo lộn.
Ngày 11/04, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau quyết định xử phạt hành chính Công ty Cổ phần Quốc tế JBICHEM Cà Mau 285 triệu đồng, do chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải đã chế biến đầu vỏ tôm gây mùi hôi thối, xả thải nước bẩn.
Ngay sau đó, doanh nghiệp có đơn xin “chia” thi hành nộp phạt thành 3 lần. Ông Lê Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chấp nhận, cho nộp phạt 3 lần nhưng hạn chót là ngày 11-1-2013.
Ngày 21/11, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau lấy mẫu nước thải của Công ty TNHH MTV Kim Hồng (KCN Hòa Trung) nhưng hơn một tháng vẫn chưa xử lý.
Ông Nguyễn Sính, Phó Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau nói: “Mẫu nước phải gửi đến Phòng xét nghiệm của Sở Khoa học- Công nghệ Cà Mau, rồi Chi cục Bảo vệ môi trường Cà Mau xác định các chỉ tiêu nào vượt mới xử lý được”.
Trong khi người dân khiếu kiện về vấn đề mùi hôi thối trong không khí, mùi tanh hôi nước từ các xí nghiệp chế biến đầu vỏ tôm thải ra chậm giải quyết.
Người dân ở xã Lương Thế Trân (Cái Nước), Hàm Rồng (Năm Căn) đã “tự xử” bằng cách đập phá 2 nhà máy chế biến đầu vỏ tôm.