ThienNhien.Net – Ngành chế biến hải sản của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang đối mặt với vấn đề nan giải về ô nhiễm môi trường. Bên cạnh nguyên nhân khách quan là tỉnh chưa có các khu chế biến tập trung, còn một nguyên nhân nữa nằm trong ý thức của các chủ cơ sở sản xuất. Họ chưa quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải, hoặc có đầu tư nhưng không đạt chuẩn.
Không tuân thủ quy trình
Theo quy định của Luật Môi trường, sau khi được phê duyệt đánh giá tác động môi trường, chủ đầu tư các dự án phải thiết kế công trình xử lý chất thải và gửi cơ quan phê duyệt có ý kiến, đồng thời tiến hành đầu tư các công trình xử lý chất thải song song với việc đầu tư nhà xưởng. Sau khi hoàn thành các công trình xử lý, phải xây dựng kế hoạch vận hành thử nghiệm và tiến hành đánh giá hiệu quả hệ thống xử lý chất thải. Nếu hệ thống bảo đảm tiêu chuẩn môi trường quy định, chủ dự án có trách nhiệm thông báo đến cơ quan phê duyệt để kiểm tra, đánh giá hệ thống xử lý chất thải của cơ sở trước khi cho phép dự án đi vào hoạt động… Quy trình chặt chẽ là vậy, nhưng qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều cơ sở chế biến cũng như nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa chấp hành thủ tục và thể hiện trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường; nước thải qua xử lý chưa đạt điều kiện vẫn xả trực tiếp ra môi trường còn.
Tại TP. Vũng Tàu, việc kiểm tra thực tế cho thấy, hầu hết các cơ sở không tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó phòng Tài nguyên – Môi trường TP. Vũng Tàu cho biết, các vi phạm chủ yếu là không làm đúng cam kết bảo vệ môi trường; không báo cáo giám sát định kỳ, chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thải nước thải chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường. Phường 12 là địa bàn tập trung nhiều cơ sở chế biến, nuôi trồng thủy hải sản nhất của TP. Vũng Tàu, với 33 cơ sở và là địa bàn có tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài từ nhiều năm qua… Huyện Xuyên Mộc tuy không tập trung nhiều cơ sở chế biến hải sản nhưng ô nhiễm môi trường từ Công ty TNHH Hwang Kyung Vina Bình Châu cũng là vấn đề nóng kéo dài từ nhiều năm qua. Đây là nhà máy chế biến hải sản hoạt động từ năm 2004, công suất 360 tấn/tháng. Mặc dù doanh nghiệp này đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhưng hệ thống không đảm bảo việc xử lý nước thải. Những năm sau này, dân cư sinh sống quanh khu vực nhà máy đông đúc, nước thải từ nhà máy không có lối thoát, đã làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường thêm nghiêm trọng…
Nơi nào có chế biến hải sản, ở đó có ô nhiễm
Trong các đợt giám sát của HĐND tỉnh và các cơ quan chức năng liên quan, tại tất cả các nơi đoàn giám sát đến, tình trạng ô nhiễm môi trường đều rất nghiêm trọng và vượt tầm kiểm soát. Huyện Long Điền là địa bàn có số lượng cơ sở chế biến hải sản nhiều nhất tỉnh với 68 cơ sở, kế đến là TP. Vũng Tàu 59 cơ sở; Tân Thành 22 cơ sở; Đất Đỏ, Xuyên Mộc mỗi huyện 11 cơ sở, TP. Bà Rịa 7 cơ sở. Huyện Long Điền là nơi có nhiều nhất số lượng cơ sở chế biến hải sản chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong 68 cơ sở chế biến thủy hải sản của huyện Long Điền mới chỉ có 26 cơ sở đầu tư hệ thống xử lý nước thải; nhưng cũng chỉ có 1 cơ sở có nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường. TP. Vũng Tàu mới có 33/59 cơ sở đầu tư hệ thống xử lý nước thải và chỉ 2 trong số đó có hệ thống xử lý đạt tiêu chuẩn… Các địa phương còn lại, hễ nơi nào có hoạt động chế biến hải sản, thì nơi đó ít nhiều cũng gây ô nhiễm môi trường.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 178 cơ sở chế biến hải sản, gồm 32 cơ sở chế biến hàng khô, 15 cơ sở chế biến bột cá, 31 cơ sở chế biến nước mắm và 38 cơ sở chế biến hàng đông lạnh xuất khẩu. Trong đó, 69 cơ sở quy mô lớn đã hoàn thành đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chiếm 38,76%, nhưng chỉ mới có 15 cơ sở có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn xả ra môi trường. Vì vậy, hàng năm, vẫn còn hàng chục ngàn m3 nước thải chưa xử lý đạt yêu cầu từ chế biến hải sản bị thải ra môi trường. |
Nhận xét về tình trạng ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực chế biến, nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn, ông Trần Văn Một, Phó Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh cho biết: “Hiện nay, tình hình ô nhiễm môi trường do chế biến hải sản ở các địa phương đều rất gay gắt. Cơ quan chức năng nhiều lần kiểm tra, xử phạt nhưng tình trạng ô nhiễm không hề giảm, trong khi các chủ cơ sở chế biến lần nào cũng hứa và cam kết sẽ khắc phục”.
Theo Sở Nông nghiệp và Nông thôn, lượng chất thải phát sinh phụ thuộc vào thiết bị chế biến, mùa vụ khai thác hải sản và chất lượng nguyên liệu đầu vào. Một số cơ sở chế biến thủ công của các hộ gia đình hoạt động tự phát giữa khu dân cư và các địa điểm không được quy hoạch nên đã gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là ý thức của các chủ cơ sở sản xuất, đặc biệt là các cơ sở chế biến bột cá chưa quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải hoặc đầu tư như không đạt chuẩn. Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cơ quan này gặp khó khăn trong công tác hậu kiểm bởi nguồn nhân lực thiếu, và do doanh nghiệp khó khăn về vốn và “chỗ ở” chưa ổn định nên dẫn đến tình trạng ô nhiễm vẫn kéo dài.