ThienNhien.Net – Sau thời gian lắng xuống, gần đây tình trạng khai thác rừng gỗ nghiến trái phép lại nổi lên. Điển hình là vụ lâm tặc ngang nhiên chặt hạ 15 cây nghiến tại khu vực Vườn quốc gia Ba Bể gây bức xúc trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Trước tình trạng này, các cấp các ngành, địa phương cần có những biện pháp quyết liệt hơn trong việc thực hiện Chỉ thị số 08 của Tỉnh ủy về việc ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép gây hủy hoại môi trường trên địa bàn tỉnh.
Bài 1: Vấn nạn tình trạng phá rừng gỗ quý hiếm
Nạn phá rừng gỗ quý hiếm, đặc biệt là rừng gỗ nghiến trên núi đá cứ nhức nhối, kéo dài ở nhiều nơi như: Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ, Khu Bảo tồn sinh vật cảnh Nam Xuân Lạc và Vườn quốc gia Ba Bể, Bạch Thông… Mỗi năm tại các điểm này có hàng trăm cây nghiến bị chặt hạ trái phép, xâm hại nghiêm trọng đến các khu rừng đặc dụng, thất thoát tài nguyên rừng và hủy hoại môi trường.
Theo báo cáo của kiểm lâm tỉnh, trong năm 2012 có 658 vụ vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng. Số gỗ quý hiếm tịch thu qua các vụ vi phạm trong năm qua là khá lớn với 170 m3, trong đó có gần 53 m3 gỗ tròn và hơn 117,3m gỗ xẻ, tổng số tiền phạt qua các vụ vi phạm hơn 2 tỉ đồng. Những con số thống kê, báo cáo của ngành kiểm lâm tỉnh chỉ phản ánh phần nào nạn phá rừng diễn khá phức tạp, nhức nhối trên địa bàn tỉnh ta.
Huyện Chợ Đồn, địa phương được nhận định là hướng vận chuyển chính nguồn gỗ khai thác trái phép từ Khu Bảo tồn sinh vật cảnh Nam Xuân Lạc và Vườn quốc gia Ba Bể mang ra ngoài tỉnh, chỉ trong vòng gần 4 tháng thực hiện Chỉ thị số 08 (từ tháng 7 đến tháng 11/2012) qua 58 lượt truy quét liên ngành đã phát hiện và lập biên bản xử lý 36 vụ vi phạm, tịch thu gần 40 m3 gỗ quý hiếm.
Tại Vườn quốc gia Ba Bể, qua thống kê chưa đầy đủ đã có 202 cây gỗ nghiến và 03 cây trai lý bị chặt hạ đang nằm trong khu vực vùng lõi của Vườn, với tổng số hơn 500 m3 gỗ. Tương tự, số gỗ nghiến bị chặt hạ đang nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ lên đến hàng nghìn mét khối.
Khối lượng gỗ quý hiếm bị chặt hạ tại các khu rừng đặc dụng là rất lớn, tuy nhiên việc phát hiện xử lý và ngăn chặn các hành vi phá rừng của ngành chức năng lại quá chậm và quá ít, chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số các vụ vi phạm mà lực lượng kiểm lâm phát hiện.
Việc giữ cho cây rừng không bị chặt hạ là nhiệm vụ hàng đầu và phải ngăn chặn ngay những hành vi chặt hạ rừng gỗ quý hiếm trái phép. Nhưng cùng với đó là phải tăng cường truy quét, xử lý để triệt phá các đường dây vận chuyển gỗ trái phép, các trường hợp cất giấu gỗ trái phép. Bởi còn những hành vi này thì sẽ tạo “thị trường” thu hút người dân tham gia phá rừng.
Trở lại những điểm nóng về phá rừng, chúng ta hãy nhận diện xem những kẻ phá rừng là ai? Lâu nay, chúng ta hay gọi kẻ phá rừng là “lâm tặc”, thực tế họ là một bộ phận người dân địa phương tham gia khai thác, vận chuyển, cấn giấu gỗ trái phép.Là người dân bản địa nên họ mới thông thạo địa hình và các đường mòn trong điều kiện một khu rừng núi đá hiểm trở như các khu rừng đặc dụng.
Theo ra soát của Vườn Quốc gia Ba Bể, hiện nay trong 7 xã vùng đệm của Vườn có 143 đối tượng thường xuyên có hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán và tàng trữ gỗ trái phép, trong đó tập trung ở các xã như: Khang Ninh, Nam Mẫu, Hoàng Trĩ, Đồng Phúc, Quảng Khê, Cao Thượng (Ba Bể) và Nam Cường (Chợ Đồn). Số người này cũng chính là đầu mối có liên hệ chặt chẽ với các đối tượng đầu nậu gỗ.
Điển hình như vụ chặt hạ 15 cây nghiến có đường kính từ 0,4m – 0,8m tại khu vực mốc 50, 51 thuộc Vườn Quốc gia, giáp ranh giữa xã Nam Cường (Chợ Đồn) và xã Quảng Khê (Ba Bể), sau một thời gian ngắn điều tra ngành chức năng đã xác định được những “lâm tặc” liên quan gồm 7 người và đều là người dân ở Bảm Lồm, thuộc xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn.
Như vậy, lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương và các chủ rừng đều xác định được điểm nóng về phá rừng, nắm được các đối tượng phá rừng, tuy nhiên, tại sao rừng đặc dụng vẫn bị phá, nhiều năm qua vấn nạn này chưa được giải quyết dứt điểm, dẫn đến tình trạng phá rừng quý hiểm diễn ra nhức nhối, dai dẳng.