ThienNhien.Net – UBND TP.HCM khẳng định ý tưởng xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công với tổng vốn đầu tư 66.000 tỉ đồng sẽ tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, khó có thể phục hồi và sẽ không được sự đồng tình của người dân thành phố và các tổ chức quốc tế.
Theo một văn bản được UBND thành phố gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 24/12, UBND thành phố cho rằng dự án tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công sẽ không có khả năng chống lũ hay giảm lưu lượng lũ trong các sông Đồng Nai, Sài Gòn và sông Vàm Cỏ, thậm chí còn hạn chế thoát lũ khi xảy ra xả lũ của các hồ chứa thượng nguồn đổ về hạ lưu kết hợp mưa lớn.
Hồi tháng 1/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND thành phố cho ý kiến về ý tưởng dự án tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công. Theo đó, Bộ cho rằng đê biển Vũng Tàu – Gò Công có mục tiêu là chống lũ lụt, ngập úng và xâm nhập mặn cho toàn vùng TPHCM trước mắt và lâu dài khi mực nước biển dâng thêm 75 – 100 cm.
Đê biển này sẽ tăng cường khả năng thoát lũ, giảm chiều sâu và thời gian ngập lũ, chống xâm nhập mặn cho vùng Đồng Tháp Mười trong điều kiện biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, chống xâm nhập mặn cho khu vực Gò Công, Long An, phòng chống thiên tai và các tác động từ biển cho toàn bộ khu vực TPHCM và vùng Đồng Tháp Mười với diện tích hơn 1 triệu héc ta.
Bên cạnh đó, dự án còn tạo điều kiện rút ngắn khoảng cách giao thông giữa các tỉnh miền Tây với các tỉnh ở Nam Trung Bộ: rút ngắn đoạn từ thành phố Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang đi Vũng Tàu còn 70 km thay vì 200 km như trước đây, từ TPHCM đi Vũng Tàu còn 80 km thay vì 125 km, các tỉnh miền Tây đi các tỉnh Nam Trung bộ rút ngắn được 40 km. Đây cũng là nơi xây dựng hệ thống cảng biển trong tương lai, khai thác năng lượng gió và năng lượng triều.
Tổng kinh phí đầu tư cho dự án xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công khoảng 66.000 tỉ đồng, trong đó kinh phí đầu tư cho dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công là 50.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến của các sở ngành, UBND thành phố lại khẳng định cho dù có thể sử dụng tất cả dung tích 3,3 tỉ mét khối của hồ chứa của dự án để chứa nước lũ thì cũng không mang lại hiệu quả cho công tác chống lũ vì hồ chứa nằm ở hạ du nên không có khả năng chống lũ hay giảm lưu lượng lũ trong các sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ.
Chưa kể đê biển Vũng Tàu – Gò Công sẽ thu hẹp diện tích và cản trở dòng chảy của đường thoát lũ tự nhiên nên không thể tăng khả năng thoát lũ. Trong khi đó nguyên nhân gây ngập cho thành phố do các yếu tố: xả lũ từ các hồ chứa thượng nguồn (nhất là hồ thủy lợi Dầu Tiếng), ảnh hưởng của dòng triều từ biển và mưa.
Đặc biệt, UBND thành phố cho biết trong vùng dự án đê biển này có rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2000 và là “lá phổi xanh” của thành phố.
Với diện tích rừng vào loại rộng nhất ở Đông Nam Á (tổng diện tích toàn vùng khoảng 75.740 héc ta, trong đó rừng phủ kín tại huyện Cần Giờ trên 35.000 héc ta, rừng còn làm nhiệm vụ điều tiết khí hậu cho TPHCM và vùng xung quanh, ngăn sóng biển, chống xói mòn, chống hậu quả nước biển dâng do biến đổi khí hậu, giảm nhẹ ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão tác động vào thành phố và là vùng xử lý nước thải từ thượng lưu đưa về.
Việc ngăn các vịnh Gành Rái, Đồng Tranh bằng đê biển chắc chắn sẽ làm suy thoái các rừng ngập mặn trong vùng, đặc biệt là khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Các dải rừng ngập mặn chiều rộng từ 150 – 170 mét từ Vàm Láng đến Tân Thành, tỉnh Tiền Giang sẽ bị biến mất, cùng với chúng là nhiều loài thủy sản lấy khu vực này làm nơi cư trú và sinh sản.
Từ những phân tích, đánh giá trên, UBND thành phố khẳng định: “Không ủng hộ ý tưởng xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công, đồng thời kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn tiếp tục triển khai thực hiện các dự án thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008”.