Thuốc giả Trung Quốc giết bệnh nhân sốt rét châu Phi

ThienNhien.Net – Thuốc trị sốt rét bị làm giả hoặc kém chất lượng của Trung Quốc đang tàn phá châu Phi. Một phóng sự của báo Guardian của Anh mới đây cho biết những hộp thuốc giả giống y hệt những hộp thuốc thật từ bao bì đến viên thuốc.

Một người mẹ Uganda đang chăm sóc đứa con bị sốt rét (Ảnh: Corbis)
Một người mẹ Uganda đang chăm sóc đứa con bị sốt rét (Ảnh: Corbis)

Với một loại thuốc có tên Tansidar, người ta phải nhìn kỹ mới phát hiện ra rằng các hộp thuốc giả không có một hình mờ chống giả như hộp thuốc thật, và cạnh của các viên thuốc dễ vỡ. Nhưng chỉ có các chuyên gia phát hiện hàng giả mới phân biệt được điều này, còn các chuyên gia y tế từ bác sĩ, dược sĩ, đến y tá đầu không thể phân biệt được giả và thật. Có những loại thuốc mà chỉ qua xét nghiệm trong phòng thí nghiệm mới phát hiện được là thuốc giả.

Trong phóng sự của Guardian, một bệnh nhân sốt rét và là một bác sĩ quản lý bệnh viện của vùng Mwanza ở Tanzania, bà Mechtlida Luhaga kể: “Chính tôi cũng đã uống. Tôi uống Alu và không thấy gì xảy ra hết. Tôi thử máu lần nữa để kiểm tra lại và thấy vẫn có mức ký sinh như trước. Thuốc đó là giả”.

Thuốc sốt rét giả hay kém chất lượng được mô tả là xuất hiện tràn lan ở Tanzania và Uganda, và ai cũng biết đến sự tồn tại của thuốc sốt rét giả hay kém chất lượng vì nhiều người đã uống phải thứ thuốc này.

“Và như từng nghi ngại đối với những chiếc điện thoại di động hay quần áo kém chất lượng, người dân ở Tanzania và Uganda ngờ rằng thuốc sốt rét giả được nhập từ Trung Quốc” phóng sự của Guardian viết. Phóng sự này cũng cho biết nếu như ở Tanzania thuốc sốt rét giả len lỏi vào thị trường dược phẩm thì ở Uganda chúng tràn lan khắp nơi và còn thâm nhập qua biên giới sang thị trường Công hòa Dân chủ Congo. Số bệnh nhân sốt rét ở Tanzania và Uganda hiện vào khoảng 20 triệu người, trong khi toàn cầu có khoảng 94 triệu.

Các báo cáo được công bố trên tạp chí y học Lancet cho biết 1/3 thuốc điều trị sốt rét bán trên thị trường Uganda và Tanzania là thuốc giả hay kém chất lượng, mà hầu hết đều có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong phóng sự của Guardian, hội viên cấp cao về vấn đề sức khỏe toàn cầu của Hội đồng về quạn hệ đối ngoại của Mỹ, bà Laurie Garett nhận xét: “Nếu các báo cáo của các cơ quan chức năng châu Phi là chính xác, thì các công ty Trung Quốc phải chịu trách nhiệm với hầu hết trường hợp gian lận dược phẩm và lạm dụng công thức dược tài tình ở châu lục này”.

Tác hại của thuốc giả đối với các nỗ lực phòng chống sốt rét là rất ghê gớm vì người uống phải thuốc giả sẽ chết dần chết mòn, trong khi người uống phải thuốc kém chất lượng thì vì không được nhận đủ liều điều trị nên sẽ kháng thuốc. Điều này không chỉ gây khó khăn hơn cho việc điều trị đối với bản thân bệnh nhân mà còn khiến việc kiểm soát bệnh dịch trong cộng đồng trở nên phức tạp hơn.

Trong các viện trợ thuốc men, Trung Quốc thường né tránh trợ giúp các hoạt động phòng chống AIDS ở châu Phi mà chỉ quan tâm giúp đỡ các hoạt động phòng chống sốt rét. Điều này được giới quan sát giải thích là vì thuốc điều trị sốt rét rẻ hơn thuốc điều trị AIDS, trong khi hiệu quả điều trị tính theo đầu người thì cao hơn.

Số liệu báo cáo cho biết Trung Quốc đã chi hơn 700 triệu USD viện trợ y tế cho châu Phi trong giai đoạn 2007-2011, nhưng mức viện trợ này chỉ như muối bỏ biển và thường chỉ tập trung vào xây dựng hạ tầng y tế, cung cấp trang thiết bị, và nhân lực.

Nguồn thuốc điều trị sốt rét do chính phủ Trung Quốc viện trợ cho các nước châu Phi được cho là kém hiệu quả, theo một bài viết trên báo Financial Times, một phần là vì các thuốc này chỉ có hướng dẫn bằng tiếng Hoa nên các phòng khám ở châu Phi không biết cách sử dụng.