ThienNhien.Net – Mặc dù Việt Nam được xem là nơi có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú với khoảng 4.000 thực vật được dùng làm thuốc, tuy nhiên, trên thực tế, gần 90% dược liệu đang được kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam đều phải nhập khẩu. Theo Bộ Y tế, nhiều loại dược liệu không rõ tiêu chuẩn, không được kiểm nghiệm, kém chất lượng vẫn được ngang nhiên mua bán trên thị trường…
Nguồn gốc dược liệu: Không kiểm soát nổi
Theo TS. Trần Thị Hồng Phương – Phó Cục trưởng, Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế), cả nước hiện có hơn 500 cơ sở kinh doanh, sản xuất dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu. Dược liệu nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch chiếm khoảng 80-85% vì thế giá dược liệu của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường không mang tính ổn định. Việc đánh giá chất lượng dược liệu ở đầu nguồn cũng như cuối nguồn chủ yếu dựa vào cảm quan và kinh nghiệm của người buôn bán, kinh doanh. Cạnh tranh thị trường chủ yếu về giá nên hậu quả cuối cùng ảnh hưởng tới người tiêu dùng, do đó dược liệu, thuốc từ dược liệu cung ứng vào bệnh viện chất lượng kém.
Cũng theo TS. Phương, nhiều loại dược liệu nhập không rõ nguồn gốc, không rõ tiêu chuẩn, không có phiếu kiểm nghiệm chất lượng. Một số dược liệu kém phẩm chất, một số dược liệu quý hiếm đắt tiền đã bị chiết xuất hết hoạt chất khi nhập về. Việc nhầm lẫn dược liệu do trùng tên còn phổ biến. Điều kiện bảo quản dược liệu tại các cơ sở cung ứng chưa đạt yêu cầu.
Hiện nay, mỗi năm, Việt Nam khai thác và sử dụng khoảng 50.000 – 70.000 tấn dược liệu. Nhiều sai phạm cũng đã được cơ quan chức năng phát hiện như: Nhầm lẫn bộ phận dùng; thuốc bị làm giả tạo; vị thuốc có chất lượng kém và rất kém còn phổ biến…
Một công bố mới đây của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương về chất lượng thuốc đông y trong các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước đã cho thấy tính mạng của người bệnh đang bị xem thường. Qua kiểm nghiệm gần 400 mẫu dược liệu thì có tới 60% mẫu chưa đạt chất lượng. Trong đó, 20% số thuốc còn bị trộn rác như cát, ximăng, lẫn tạp chất, giả mạo, tẩm ướp hóa chất độc hại…
Chất lượng thuốc đông dược: Hên xui!
Thông tin về thuốc đông y nhiễm chì, nhiễm asen, trộn tân dược… gây hàng loạt các vụ ngộ độc nguy hiểm đến tính mạng khiến dư luận hoang mang. Thậm chí, đông dược được mua tại các bệnh viện chuyên về y học cổ truyền hoặc bệnh viện có chuyên khoa ít ai nghĩ rằng thuốc kém chất lượng, chứa hóa chất. Theo một số chuyên gia, nghiêm trọng nhất là nhiều vị thuốc nhuộm màu làm giả, trộn tạp chất như: Thỏ ty tử, bạch linh… khiến người sử dụng lầm tưởng thật.
Chỉ tính riêng tại TPHCM, theo phòng Quản lý Y học cổ truyền (Sở Y tế), thành phố hiện có trên 100 cơ sở sản xuất đông dược, 385 nhà thuốc y học cổ truyền. Lượng thuốc được sản xuất và phân phối cũng phong phú với nhiều chủng loại từ dạng thô cho người bệnh về tự sao, nấu uống đến các dạng tinh như cao đơn hoàn tán, tinh dầu, tinh bột…
Cơ quan quản lý cũng thừa nhận chưa quản lý được nguồn gốc nguyên liệu, thành phẩm cũng như quy trình sản xuất của các cơ sở y học cổ truyền. Trên thực tế, các cơ sở sản xuất ra thuốc tự mang đi kiểm nghiệm và công bố chỉ tiêu chất lượng, cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm. Nhưng không ít cơ sở chẳng cần kiểm nghiệm.
Nêu giải pháp nhằm quản lý chất lượng dược liệu để tránh việc thả nổi như hiện nay, PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, Bộ Y tế sớm ban hành quy định về việc lưu thông phân phối dược liệu trên thị trường như quy định về bao bì, nguồn gốc, ngày đóng gói, hạn sử dụng, tên cơ sở đóng gói để việc quản lý chất lượng và nguồn gốc dược liệu sẽ tốt hơn.
TS. Hồng Phương thì kiến nghị nên quy hoạch vùng trồng dược liệu xây dựng các vùng chuyên canh trồng dược liệu quy mô lớn nhằm cung cấp dược liệu sạch, có tính ổn định cho các nhà máy chế biến dược liệu và bào chế thuốc đông dược; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các DN, cá nhân đầu tư xây dựng vùng trồng dược liệu sạch đạt tiêu chuẩn GACP – WHO; xây dựng một số trung tâm bán buôn, bán lẻ dược liệu, vị thuốc đông y đạt tiêu chuẩn trên toàn quốc.