ThienNhien.Net – Nếu như chống buôn lậu trên bộ đã là một cuộc chiến cam go, thì chống buôn lậu trên biển còn khó khăn gấp bội. Theo nhận định của các lực lượng chức năng, những mặt hàng buôn lậu qua tuyến đường biển đều là những mặt hàng có giá trị kinh tế cao hoặc buôn lậu với số lượng lớn, phổ biến nhất là quặng, khoáng sản, xăng dầu… cùng những mặt hàng nóng khác như pháo, rượu và thuốc lá ngoại…
Buôn lậu xăng dầu – hé lộ phần nổi của “tảng băng chìm”
Năm 2012 là năm buôn lậu xăng dầu lợi dụng kẽ hở của quy định tạm nhập tái xuất nổi lên với 2 vụ việc lớn được lực lượng Hải quan phát hiện là vụ buôn lậu 2.000 tấn xăng dầu tại vùng biển giáp ranh Thanh Hóa – Nam Định hồi cuối tháng 7. Sau đó là vụ chuyển tiêu thụ nội địa hơn 420 nghìn lít xăng, trốn thuế 2,5 tỷ đồng cũng diễn ra hồi tháng 7. Cả 2 vụ việc này đều có liên quan đến Công ty Xăng dầu Hàng không (Vinapco) và đối tác Trung Quốc là Công ty TNHH Cung ứng dầu và Thủy sản TP Bắc Hải – sau này đã được các lực lượng chức năng xác minh là không hề tồn tại.
Tiếp sau đó là hàng loạt các vụ buôn lậu xăng dầu khác được phát hiện như ngày 19/12, Cảnh sát Biển Việt Nam đã phát hiện vụ việc có dấu hiệu buôn lậu lớn, trị giá khoảng 25 tỷ đồng (khoảng 1 triệu lít); ngày 15/9, Hải đoàn Biên phòng 18 cũng phối hợp với Đoàn đặc nhiệm miền Nam (Cục Phòng chống tội phạm ma túy – Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) phát hiện và đang tiến hành điều tra vụ thuyền trưởng tàu Quang Hưng 1 có hành vi mua bán 10.000 lít dầu trái phép trên biển không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Sau “phát pháo” đầu tiên như một lời cảnh báo về tình trạng buôn lậu xăng dầu, hàng loạt vụ việc khác đã được khám phá. Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng đây chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”.
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Ngô Thanh Tuấn – Hải đội phó Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Bắc (Hải đội 1) cho biết: Vào cuối năm ngoái, đầu năm nay, Hải đội 1 cũng đã khám phá một vụ buôn lậu dầu trên biển. Cụ thể, ngày 5/12/2011, tàu HQ 56 đã bắt giữ tàu Quế Khâm Ngư Vận 7678 do ông Trương Thế Tôn (quốc tịch Trung Quốc) làm thuyền trưởng, vận chuyển 180 tấn dầu không có giấy tờ hợp lệ.
Đến ngày 12/12, tàu HQ 27 tiếp tục bắt giữ tàu Quế Bắc Ngư Vận 62089 do ông Lý Kim Phúc (quốc tịch Trung Quốc) làm thuyền trưởng và tàu Quế Bắc Ngư Vận 33696 do Vương Phúc Toàn (cũng là người Trung Quốc) làm thuyền trưởng vận chuyển hơn 100 tấn dầu trái phép trên biển. Tổng trị giá chuyến hàng khoảng hơn 6 tỷ đồng. “Sau khi doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục tái xuất, lực lượng Biên phòng dẫn giải ra đến hết phao số 0 nghĩa là đã hết lãnh hải Việt Nam thì họ tự đi ra biển, nhưng sau đó không sang Trung Quốc mà vòng lại bán nội địa. Biển mênh mông, các đối tượng thường lợi dụng thời tiết sóng gió hoặc những lúc lực lượng chức năng không tuần tra kiểm soát quay vòng lại nên rất khó phát hiện” – ông Ngô Thanh Tuấn cho biết.
Nhiều thủ đoạn, biết vẫn khó chế ngự
Ngoài buôn lậu xăng dầu, tuyến biển còn là địa chỉ hấp dẫn của các đối tượng buôn lậu quặng, khoáng sản. Theo nhận định của Hải đội 1, tuyến Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh là đường xuất lậu của than các loại; tuyến Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh là đường đi của quặng, gỗ các loại.
Phương thức thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng xuất lậu than thường là lợi dụng ban đêm, buổi trưa hoặc chiều tối để trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng, nhằm đưa than tập kết tại các bến bãi ven sông, chờ thời cơ bốc lên tàu để vận chuyển đi Trung Quốc. Hàng hóa vận chuyển trên tàu thường không có một hóa đơn chứng từ gì, được vận chuyển thẳng sang Trung Quốc chứ không ngụy trang bằng hồ sơ nội địa. Khi xuống hàng, các đối tượng buôn lậu sẽ dùng một kíp tàu, khi chạy lại dùng một kíp tàu khác để che giấu nguồn và địa điểm tập kết than lậu, hoặc thay đổi biển số tàu nhiều lần để đánh lạc hướng lực lượng chức năng.
Đối với hoạt động xuất lậu quặng, các đối tượng thường sử dụng tàu 1.000 tấn trở lên cùng với những bộ hồ sơ vận chuyển nội địa nhằm che đậy khi các lực lượng chức năng kiểm tra. Nếu không có bóng dáng lực lượng tuần tra kiểm soát, các tàu này lập tức “bẻ ghi” sang Trung Quốc để xuất lậu. Trong năm 2012, lực lượng chức năng đã nhận được nhiều thông tin về một số tàu vận chuyển quặng ra Hải Phòng, Quảng Ninh, nhưng sau khi Hải đội 1 xác minh cho thấy, các tàu này không làm thủ tục và neo đậu tại các điểm do cảng vụ Hải Phòng và Quảng Ninh quản lý.
Qua công tác trinh sát địa bàn cũng cho thấy phần lớn các tàu này không vận chuyển quặng ra Quảng Ninh tiêu thụ. “Hiện các tàu chở quặng buôn lậu có một thủ đoạn rất khó đối phó là họ sử dụng một bộ hồ sơ bán nội địa với hợp đồng mua bán rất đầy đủ, khi kiểm tra thủ tục hồ sơ hoàn toàn hợp lệ. Các đối tượng cứ men đường tiếp giáp lãnh hải để đi, mình không làm được gì vì họ vẫn đi đúng hướng. Chỉ cần không có sự theo dõi giám sát của các lực lượng chức năng như Hải quan, Cảnh sát biển, Biên phòng… là họ lập tức rẽ sang Trung Quốc. Chúng tôi rất đau đầu trước hiện tượng này, nhưng chưa có cách nào chế ngự hiệu quả” – ông Ngô Thanh Tuấn bức xúc.
Với những vi phạm này, không chỉ thị trường trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà còn gây thất thu thuế rất lớn cho nhà nước.
Cửa khẩu Hải Phòng: Phát hiện nhiều vụ buôn lậu và gian lận thương mạiTheo Đội Kiểm soát hải quan – Cục Hải quan Hải Phòng, chỉ trong tháng 12, đơn vị đã phát hiện 3 vụ việc nghiêm trọng thể hiện rõ thủ đoạn gian manh của đối tượng qua từng vụ việc. Điển hình trong số này là vụ 2 doanh nghiệp ở Hải Phòng đứng tên nhận lô hàng gồm 190 xe môtô phân khối lớn, có chiếc dung tích xilanh đến 1.8L đã qua sử dụng (loại hàng cấm nhập khẩu) được đóng trong 3 container nhập lậu vào cảng Hải Phòng do đại lý hãng tàu RCL (tại Hải Phòng) chuyển từ Hồng Kông về. Đây là loại mô tô có giá trị rất cao, trung bình từ 500-600 triệu đồng/chiếc. Có chiếc nếu muốn mua lại ở Hải Phòng, Hà Nội cũng đã bỏ ra trên 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối với lô hàng “siêu” môtô núi tiền như vậy nhưng đơn vị nhận hàng trên vận đơn vẫn kiên quyết từ chối.
Cũng trong tháng 12, kiểm tra thực tế lô hàng gồm 6 container hàng tạm nhập tái xuất do một doanh nghiệp có trụ sở tại Móng Cái đứng tên nhận hàng trên vận đơn, kết quả lại ra 16 xe ôtô du lịch đã qua sử dụng loại siêu sang. Giá mỗi chiếc từ 1 tỷ đến nhiều tỷ đồng, song lại không hề có những thủ tục chứng từ gì thể hiện nguồn gốc, tính hợp pháp của phương tiện. Truy vấn đến doanh nghiệp đứng tên nhận hàng thì cũng chỉ nhận được câu trả lời theo kiểu phủi trách nhiệm: Không biết gì về 16 chiếc xe siêu sang cả. Cùng thời điểm này, một lô hàng thuộc diện cấm buôn bán, vận chuyển, XNK theo công ước quốc tế Cites về bảo vệ động vật hoang dã cũng đã được HQHP phát hiện: Lô hàng được khai là vỏ ốc chứa trong container do tàu Nithi Bhum vận chuyển từ Philippines về cảng Chùa Vẽ. Nhưng khi kiểm tra thực tế lại là 2,6 tấn vảy tê tê, mai đồi mồi. Theo ông Nguyễn Sỹ Tráng, Phó Cục trưởng Hải quan Hải Phòng cho biết, việc gia tăng các vụ việc buôn lậu – gian lận thương mại tại khu vực cảng Hải Phòng là điều các lực lượng chức năng đã có dự báo từ trước. Việc các chủ hàng thi nhau từ chối nhận hàng khi bị phát hiện hàng hóa có “vấn đề” cũng là bài bản quá cũ song đến nay chưa hóa giải được. Hiện tại tang vật các vụ việc nói trên Hải quan Hải Phòng đã có lệnh đưa về kho kho tạm giữ, đồng thời có văn bản thỉnh thị chỉ đạo tiếp theo của các Bộ, ngành hữu quan, về xử lý tang vật, đối tượng. Lê Minh Triết |