ThienNhien.Net – Hơn 300 hộ dân ở ấp 3, xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai sống trong điều kiện ô nhiễm do nhà máy xi măng gây nên. Họ muốn đi nơi khác ở cũng không xong bởi nhà cửa đất đai đều đã được kiểm kê do nằm trong khu quy hoạch Ông Kèo.
Từ năm 2009 đến nay, khi nhà máy của Công ty Xi măng Lafagre và trạm nghiền xi măng Công Thanh đi vào hoạt động ở ấp 3, xã Phước Khánh thì người dân ở khu vực gần nhà máy lâm vào cảnh khốn khó vì ô nhiễm.
Mỗi khi nhà máy hoạt động, bụi từ trạm nghiền của nhà máy bay ra mù mịt, lan tỏa ra khắp nơi.
Ông Nguyễn Văn Hoàng (67 tuổi) ở cách trạm nghiền nhà máy xi măng Công Thanh khoảng 200m cho biết: “Từ khi nhà máy này hoạt động là cả gia đình tôi và người dân trong vùng này sống trong môi trường ô nhiễm, vào giờ ăn mà gặp lúc nhà máy hoạt động là phải dẹp mâm cơm bởi bụi mù mịt… Bụi này không thể quét sạch được mà phải hai ngày xịt nước rửa một lần” – ông Hoàng cho hay.
Bà Hồ Thị Thoa (54 tuổi), cư dân trong vùng bức xúc: “Quần áo giặt ra cũng không thể phơi được vì bụi. Trẻ con, người già mắc đủ chứng bệnh về hô hấp, đau đầu”.
Ấp 3, xã Phước Khánh là địa bàn thiếu nước ngọt. Nước sinh hoạt hàng ngày phải dựa vào nguồn nước vận chuyển từ nơi khác đến, do vậy để giảm bớt gánh nặng chi phí, người dân ở đây luôn phải tận dụng nước trời bằng cách xây bể, đúc lu để hứng chứa nước mưa.
Tuy nhiên, từ khi có nhà máy thì nguồn nước mưa cũng không còn được sử dụng do bụi luôn phủ bám đầy trên mái nhà. Ông Hoàng cho biết: “Bây giờ không sử dụng được nước mưa, người dân ở đây phải tốn thêm tiền mua nước ngọt với 45 – 50 ngàn đồng/m3”.
Người dân cho biết, sống trong điều kiện như thế này, họ rất muốn đi nơi khác sinh sống nhưng nhà đất bán không ai mua vì cả khu vực này đã được quy hoạch làm khu công nghiệp và nhà cửa, cây trồng đều đã được kiểm kê từ năm 2009. Nhà cửa xuống cấp xập xệ, nhưng không ai dám xây dựng mới vì sẽ không được đền bù.
Ông Nguyễn Thành Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Khánh cho biết, hiện tượng ô nhiễm là có và người dân nhiều lần phản ánh, chính quyền cũng đã có kiến nghị lên các cấp giải quyết, xử lý.
Mới đây, vào ngày 29/7, Sở Tài nguyên – Môi trường tiếp tục kiểm tra nhưng đến nay chưa có thông tin.
Ông Vương cũng nhìn nhận, do ấp 3 nằm trong khu quy hoạch nên không được đầu tư hệ thống nước máy. Trong khi đó, bao giờ người dân mới được đền bù, di dời thì chính quyền cũng không thể biết.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Võ Văn Chánh, nguyên nhân ô nhiễm ở hai công ty này là bụi phát sinh trong quá trình bốc dỡ từ tàu vận chuyển lên băng chuyền vào kho sang trạm nghiền.
Sở đã thanh tra 7 lần, xử phạt 6 lần nhưng công ty vẫn chưa khắc phục triệt để. Trả lời chất vấn về vấn đề này tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Nguyễn Mạnh Dũng đưa ra giải pháp cho tình trạng này là di dời dân ra khỏi khu vực ô nhiễm.
Ý kiến này cũng là nỗi mong đợi của hàng trăm người dân trong vùng ô nhiễm từ 5 năm qua. Tuy nhiên, điều quan trọng mà người dân muốn biết là bao giờ họ sẽ được di dời?