Khánh thành công trình Thủy điện Sơn La

ThienNhien.Net – Sáng 23/12/2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ khánh thành công trình Thủy điện Sơn La, công trình quan trọng quốc gia quy mô lớn nhất Việt Nam và cũng là công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, lãnh đạo các Bộ, ngành, các địa phương, lãnh đạo 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và đông đảo nhân dân các dân tộc 3 địa phương trên đến dự.

Công trình Thủy điện Sơn La với công suất lắp đặt 2.400 MW (gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 400 MW) được xây dựng trên địa bàn xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Nhiệm vụ chính của công trình là cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng trung bình hàng năm là 10,246 tỷ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mua khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Bắc.

Công trình được xây dựng theo Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 15/01/2004 của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Khởi công xây dựng vào ngày 2/12/2005, đến ngày 17/12/2010, tổ máy đầu tiên của Thủy điện Sơn La hòa lưới điện quốc gia. Đến ngày 26/9/2012, tổ máy số 6, tổ máy cuối cùng của nhà máy hòa lưới điện quốc gia. Sau đó 2 tháng, ngày 27/11/2012 việc xây dựng hoàn tất. Ngày 20/12/2012 tại Hà Nội, Hội đồng Nghiệm thu cấp Nhà nước các công trình thủy điện đã chính thức nghiệm thu Nhà máy Thủy điện Sơn La. Như vậy, công trình quan trọng quốc gia này về đích trước 3 năm.

Sơn La là bậc thứ hai trong bậc thang thủy điện sông Đà. Nguồn nước sông Đà rất phong phú, cung cấp khoảng 50% tổng lưu lượng dòng chảy của sông Hồng. Khi chưa có các công trình thủy điện Hòa Bình, Sơn La, dòng sông Đà hung dữ đã là nguyên nhân gây ra những trận lũ, lụt lớn năm 1969, 1972 ở khu vực đồng bằng sông Hồng, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Dự án hoàn toàn do kỹ sư, công nhân Việt Nam thiết kế và thi công, chúng ta chỉ thuê chuyên gia nước ngoài giúp hỗ trợ giám sát. Ngoại trừ thiết bị cơ điện, hệ thống phân phối 500 kV, một phần thiết bị thủy công nhập khẩu, còn lại từ khâu tư vấn, thiết kế cho đến cung cấp thiết bị cơ khí thủy công, xây lắp, hoàn thiện công trình đều do các đơn vị của Việt Nam thực hiện.

Đập chính của Nhà máy Thủy điện Sơn La (Ảnh: Nhật Bắc/Chinhphu.vn
Đập chính của Nhà máy Thủy điện Sơn La (Ảnh: Nhật Bắc/Chinhphu.vn)

Khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La, Quốc hội đặt ra 5 yêu cầu: Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình, cho hạ du và Thủ đô Hà Nội; Đạt hiệu quả kinh tế tổng hợp; Bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; Giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường – sinh thái, đa dạng sinh học; Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc. Đến nay, công trình đã hoàn thành, mọi yêu cầu, nhiệm vụ Quốc hội đặt ra đã được thực hiện.

Về chống lũ, các hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La dành 7 tỷ m3 nước chống lũ vùng hạ du, cùng với hồ Thác Bà, hồ Tuyên Quang trên nhánh Lô Gâm sẽ bảo đảm an toàn cho đồng bằng Bắc Bộ, chống được lũ lớn có chu kỳ 500 năm. Ngoài ra, hồ thủy điện Sơn La đã giúp chuyển các khu phân lũ, làm chậm lũ sông Hồng sang phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của người dân, góp phần cải thiện môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cả khu vực. Như vậy, với việc hoàn thành công trình thủy điện Sơn La, chúng ta đã chinh phục được sông Đà, thực hiện được ước mơ bao đời của người dân.

Về cấp nước, với dung tích hữu ích gần 6 tỷ m3, Thủy điện Sơn La sẽ góp phần quan trọng điều tiết dòng chảy khu vực hạ lưu, giúp chúng ta đã hoàn toàn chủ động trong việc cung cấp nước tưới cho khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ trong vụ Đông Xuân, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Về cấp điện, với tổng công suất lắp máy 2.400 MW, sản lượng điện bình quân hàng năm trên 10 tỷ kWh, bằng gần 9% sản lượng điện của Việt Nam năm 2012, được đưa vào vận hành trước tiến độ đã góp phần quan trọng bảo đảm cung cấp điện cho phát triển đất nước và cải thiện đời sống nhân dân; đồng thời, là nguồn năng lượng tái tạo, thủy điện Sơn La đã góp phần bảo đảm phát triển bền vững, tham gia chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Với việc xây dựng thủy điện Sơn La, nhiều tuyến đường giao thông được xây dựng mới hoặc được mở rộng và nâng cấp; thông qua thực hiện di dân, tái định cư đã kết hợp bố trí sắp xếp lại dân cư địa bàn, giữ gìn được giá trị và bản sắc văn hoá các dân tộc; đồng bào các dân tộc đã nhanh chóng làm quen với môi trường mới, chuyển dần từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá với nhiều cây trồng, vật nuôi và ngành nghề mới hiệu quả hơn, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng cao.

Sáng 22/12, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) tổ chức lễ đóng điện công trình đường dây và trạm biến áp cung cấp điện lưới quốc gia cho nhân dân bản Bướt, xã Tân Xuân, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, thuộc dự án cấp điện cho hơn 3 vạn hộ dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia ở tỉnh Sơn La. Đây là công trình đầu tiên thuộc dự án cung cấp điện lưới cho hơn 3 vạn hộ dân chưa có điện, tại 557 bản, trên địa bàn 106 xã, thuộc 11 huyện, thành phố của tỉnh Sơn La, từ nay đến năm 2015.
Theo dự kiến, trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, Công ty Điện lực Sơn La sẽ tiếp tục đóng điện cho 75 bản với 3.000 hộ dân.