ThienNhien.Net – Những năm gần đây, tình hình đô thị hóa ngày càng cao khiến nguồn vật liệu dùng trong san lấp mặt bằng và làm gạch, phục vụ cho xây dựng trở nên “quá tải”. Vì vậy tại các vùng nông thôn đang diễn ra tình trạng tận dụng nguồn vật liệu trên thông qua hình thức khai thác lớp đất mặt, cát giồng và đất sét dưới dạng cải tạo đất nông nghiệp trên những giồng cát, ruộng lúa gò cao… Từ đó, gây ra nhiều khó khăn và nhiều bất cập cho từng địa phương về công tác quản lý khai thác nguồn vật liệu trên dưới dạng cải tạo đất nông nghiệp.
Với lý do được nông dân đưa ra là nhằm để cải tạo lớp đất mặt ở đất sản xuất nông nghiệp do đất gò, thường thiếu nước vào mùa khô hay để chuyển đổi sang nuôi thủy sản… Từ đó hàng ngàn ha đất mặt của đất sản xuất nông nghiệp được nông dân “vô tư” bán cho các chủ cối làm gạch nung hay san lấp mặt bằng các công trình xây dựng. Qua tìm hiểu của chúng tôi, bình quân mỗi ha đất (bán cho làm gạch) có giá dao động từ 70 – 150 triệu đồng (tùy thuộc vào khu vực gần kênh, rạch); sau khi cào bỏ lớp đất mặt khoảng 0,1 – 0,2 m và khi đó lượng đất sét được lấy sâu xuống (so với mặt ruộng) từ 0,4 – 0,5m. Còn đất dùng trong san lấp mặt bằng được “tận dụng” cả lớp đất bề mặt trên ruộng và độ sâu khoảng 0,5m, giá bán dao động 30 – 35 triệu đồng/ha.
Từ lợi nhuận trên, nhiều chủ ruộng đã “đổ xô” bán lớp đất mặt. Chỉ tính riêng trong 02 năm (2010 – 2012), trên địa bàn huyện Châu Thành (Trà Vinh) đã mất đi khoảng 250 – 300 ha lớp đất mặt được nông dân bán cho các chủ cối làm gạch và san lấp mặt bằng trong xây dựng; tập trung nhiều ở các xã Song Lộc, Lương Hòa, Nguyệt Hóa, Hòa Thuận và Hòa Lợi. Vừa qua, trên địa bàn xã Song Lộc đã có trăm ha đất ruộng được khai thác nguồn đất sét một cách vô tội vạ để bán cho các chủ cối làm gạch xảy ra tại các ấp: Nê Có, Trà Uôn, Láng Khoét…
Chị Huỳnh Thị Thu – một chủ ruộng bán đất sét cho các cối gạch ở ấp Nê Có (xã Song Lộc), cho biết: Các chủ cối đến mua đất sét trong ruộng với giá khá cao, khoảng 13 – 15 triệu đồng/1.000 m2 (ruộng nằm gần kênh, thuận lợi khâu vận chuyển); nếu nằm hơi xa tuyến kênh giá khoảng 7 – 7 triệu đồng/1.000 m2. Do thấy các hộ xung quanh ai cũng bán nên gia đình cũng phải theo, nếu không bán thì ruộng của mình bị cao hơn, nước khó vào ruộng để làm lúa, nhất là vào thời điểm tháng 3 – 5. Với 0,3ha đất ruộng được chủ cối mua với giá 21 triệu đồng và thuê nhân công lấy đất theo quy trình: bỏ lớp đất mặt khoảng 10 – 15 cm, sau đó mới thu đất sét (độ sâu khoảng 40 – 45 cm).
Do thiếu sự quản lý, giám sát từ phía ngành chuyên môn đã dẫn đến tình trạng nhiều khu vực trên cùng cánh đồng bị “khập khễnh” về độ bằng của mặt ruộng, từ đó dẫn đến những khó khăn trong sản xuất như: khu vực phía ruộng gần kênh (thường được chủ cối mua, dễ vận chuyển…) có độ sâu hơn ruộng phía trong, nên mỗi khi vào vụ sản xuất, lượng nước điều tiết từ ngành thủy nông qua hệ thống kênh nội đồng làm cho ngập úng phía ngoài, phía trong thì khô và ngược lại… Trong năm 2012, các ngành chức năng huyện Châu Thành đã xử lý (phạt hành chính) 19 vụ vi phạm trong khai thác đất sét làm gạch, với số tiền phạt 275 triệu đồng.
Qua trao đổi với anh Huỳnh Văn Tới – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, anh cho biết: Trước thực trạng nông dân bán đất mặt gọi là để cải tạo đất sản xuất nông nghiệp, do chưa có sự đánh giá của ngành chuyên môn cũng như quy định về kỹ thuật trong việc hạ độ cao mặt ruộng là bao nhiêu mới phù hợp…Hiện huyện đã chỉ đạo cho ngành Nông nghiệp theo dõi và không cho cải tạo lớp đất mặt tại những nơi mới. Đối với diện tích còn cù cặn (khoảng 45 ha của hai xã Song Lộc, Lương Hòa) do lấy dở dang, cho tiếp tục lấy số diện tích còn lại, nhằm tạo một mặt bằng có độ cao đồng nhất trên cánh đồng, phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp thuận lợi khi điều tiết nước vào ruộng.