ThienNhien.Net – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có văn bản chỉ đạo Bộ Công thương kiên quyết yêu cầu ngừng tích nước, phát điện khi có nguy cơ đe dọa an toàn công trình và tính mạng người dân hạ du.
Tháng 11/2012, Bộ Xây dựng có báo cáo gửi tới Chính phủ về kết quả kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn đập của các hồ thủy điện và thủy lợi. Cụ thể, tổng hợp tại 51 địa phương, Bộ Xây dựng xác định, tính đến ngày 22/8/2012 cả nước có gần 7.000 công trình thủy lợi, thủy điện. Trong đó có 30 công trình thủy điện và 2 hồ thủy lợi có đập cao trên 30 m; 61 công trình thủy điện có đập cao từ 15m đến dưới 50m hoặc dung tích hồ trên 3 triệu m3; 479 công trình thủy lợi có đập cao từ 15m đến dưới 50m hoặc có dung tích hồ chứa trên 3 triệu m3 và hơn 6.000 công trình thủy lợi, thủy điện có đập cao dưới 15m và có dung tích hồ chứa dưới 3 triệu m3.
Bộ Xây dựng cảnh báo, trong điều kiện biến đổi khí hậu, mưa lũ bất thường, việc đảm bảo an toàn các hồ đập nói chung, đặc biệt là các hồ đập vừa và nhỏ có ý nghĩa quan trọng để góp phần đảm bảo đời sống cho nhân dân vùng hạ du và phát triển kinh tế- xã hội.
Trên cơ sở báo cáo này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương liên quan tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập hồ chứa thủy điện. Ông Hải lưu ý đặc biệt việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc kiểm định an toàn các đập thủy điện.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ này phải kiên quyết yêu cầu các nhà máy thủy điện ngừng tích nước, phát điện trong trường hợp có nguy cơ đe dọa đến an toàn công trình và tính mạng người dân vùng hạ du đập thủy điện.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường kiểm tra, thanh tra về an toàn đập; tổ chức và giám sát việc kiểm định an toàn đối với các đập thủy lợi, thủy điện do tỉnh quản lý.
Các địa phương cũng phải tăng cường giám sát, kiểm tra công tác quản lý đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh; kiên quyết không cho tích nước, đưa vào vận hành các công trình thủy lợi, thủy điện do UBND tỉnh phê duyệt đầu tư hoặc cấp giấy phép xây dựng nếu không đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an toàn cho công trình và người dân vùng hạ du đập.
Với các Bộ, cơ quan có vai trò phối hợp, Phó Thủ tướng cũng nêu các yêu cầu cụ thể.
Bộ NN&PTNT đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung về phân định rõ trách nhiệm trong công tác quản lý an toàn các đập thủy điện, thủy lợi giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và UBND cấp tỉnh; đồng thời đề xuất những sửa đổi, bổ sung những quy định khác cho phù hợp. Bộ này cũng phải tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn những hồ, đập thủy lợi tại các địa phương chưa có báo cáo đánh giá an toàn hồ, đập thủy lợi; có kế hoạch cùng các địa phương tập trung khắc phục các tồn tại về chất lượng và quản lý an toàn đập hồ chứa thủy lợi; bảo đảm an toàn cho công trình và người dân.
Bộ Xây dựng nhận phần việc rà soát, bổ sung các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng các hồ chứa thủy lợi, thủy điện nhằm nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật, hiệu quả quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước ở TƯ và địa phương. Phó Thủ tướng cũng giao Bộ này rà soát, bổ sung các quy định về thiết kế, thi công xây dựng, điều kiện về năng lực và kinh nghiệm của các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát xây dựng các đập thủy lợi, thủy điện.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng phải tổng kết đánh giá hệ thống tiêu chuẩn và kinh nghiệm thiết kế, thi công đập theo công nghệ bê tông đầm lăn.
Bộ KH&CN được giao xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình khoa học công nghệ về an toàn đập hồ thủy lợi, thủy điện nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng thiết kế, thi công, quản lý an toàn đập.