ThienNhien.Net – Tiếp theo loạt bài về Trung tâm Cứu hộ Gấu Tam Đảo, Phóng viên Tuần Việt Nam phỏng vấn ông Đỗ Đình Tiến, Giám đốc Vườn quốc gia Gấu Tam Đảo, Giám đốc phía Việt Nam của Trung tâm Cứu hộ Gấu.
Đấu thầu kinh doanh rừng theo chủ trương Nhà nước?
– PV: Ông nghĩ sao về việc AAF cáo buộc ông, với cương vị là Giám đốc phía Việt Nam của Trung tâm Cứu hộ Gấu đã vô trách nhiệm và có động cơ cá nhân trong việc tạo áp lực khiến Trung tâm bị đứng trước nguy cơ phải di dời?
Ông Đỗ Đình Tiến: Những lời cáo buộc hoàn toàn không chính xác. Tôi xin nói rõ những nguyên nhân. Thứ nhất: AAF đã cử những đại diện yếu kém, không hiểu biết về pháp luật Việt Nam làm dự án. Với trách nhiệm cá nhân, tôi phải có trách nhiệm bảo vệ và thực thi pháp luật Việt Nam.
Thứ hai: tôi phải làm sao để tránh lãng phí, tránh những phức tạp có thể xảy ra trong công tác quản lý. Vì sao tôi không làm hết trách nhiệm: là vì còn một số thủ tục cho dự án bảo tồn gấu chưa được hoàn thiện là chưa có quy hoạch sử dụng đất đai cụ thể do Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn hoặc UBND duyệt cho sử dụng; và chưa có đánh giá tác động môi trường.
Tôi đã giục nhiều lần thì anh Tuấn Bendixsen có nói đã thuê một tổ chức vào làm đánh giá tác động môi trường hết 500 triệu VNĐ, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy có báo cáo.
– PV: Nhưng dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt?
Ông Đỗ Đình Tiến: Không có một quyết định nào được phê duyệt cả. Tất cả đều chỉ là chủ trương đồng ý cho dự án vào. Mọi thứ đều chưa cụ thể.
– PV: Ông vừa nói AAF ‘toàn cán bộ yếu kém’, cụ thể họ kém thế nào? Với tư cách là GĐ Việt Nam, sao ông không giúp đỡ tư vấn cho họ, cũng như xúc tiến hoàn thiện mọi thủ tục từ trước khi dự án được triển khai?
Ông Đỗ Đình Tiến: Tất cả những thủ tục đi làm đều phải có chi phí như xăng xe, liên hệ các cơ quan… Tất cả những việc đó anh Tuấn Bendixsen đều nhận làm, và anh ấy trực tiếp quản lý toàn bộ nguồn vốn. Chúng tôi không được tham gia vào việc quản lý và sử dụng vốn nhưng anh ấy không báo cáo gì dù chúng tôi đã giục rất nhiều lần.
Với trách nhiệm cá nhân, tất cả những gì cần làm tôi đã hướng dẫn đầy đủ, nên không thể nói tôi vô trách nhiệm.
“Từ lúc nhỏ, tôi đã được cha mẹ giáo dục: thế giới này là một thể thống nhất. Con người và muôn loài cần tôn trọng nhau, gìn giữ môi trường vì đó là ngôi nhà chung. Con người và loài vật cùng là một phần tạo nên thế giới này, không lẽ gì con người chúng ta lại làm hủy hoại đi một phần ngôi nhà chúng ta đang sống. Tôi luôn tâm niệm lời cha mẹ, và bằng tất cả khả năng có thể để bảo vệ chân lý đó.Tôi chỉ là một cá nhân nhỏ nhoi, một thiểu số trong cộng đồng. Tôi sống ở một vùng xa xôi gần sa mạc. Nhưng tôi cho rằng một người thiểu số cũng có thể làm nên sự thay đổi. Bằng cách nào: hãy nói ra những điều mình tin tưởng là đúng đắn. Tôi tin rằng cũng chỉ một số nhỏ những người ở Việt Nam có những hành động tàn ác với loài gấu, và có những niềm tin không đúng. Bằng nỗ lực của mỗi cá nhân, tôi tin dần dần chúng ta sẽ tạo được sự thay đổi” – nữ diễn viên Ali MacGraw |
– PV: Còn việc AAF cáo buộc ông đưa Công ty Trường Giang Tam Đảo vào đo đạc, đầu thầu mặt bằng của Trung tâm để làm khu du lịch sinh thái, ông có ý kiến gì?
Ông Đỗ Đình Tiến: Tôi chẳng có ý gì, đó là lời cáo buộc vô căn cứ. Tôi khẳng định chẳng có cơ sở nào chứng minh điều này.
Đúng là với vị trí của Vườn quốc gia Tam Đảo, thuận lợi về giao thông, khí hậu, xung quanh khu vực này có rất nhiều khu công nghiệp. Nhu cầu về nghỉ ngơi của của khách du lịch, cán bộ công nhân viên trong khu vực là có. Nhu cầu xây dựng một khu du lịch nghỉ ngơi là cần thiết. Tam Đảo hiện có rất nhiều đơn vị đến xem xét và muốn thuê đất làm khu sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, trong đó có Trường Giang Tam Đảo.
– PV: AAF nói con gái ông có 10% cổ phần trong Trường Giang Tam Đảo? Và trên thực tế Trường Giang Tam Đảo đã vào đo đạc đất trong Trung tâm?
Ông Đỗ Đình Tiến: Việc xem xét khảo sát thì chúng tôi đã kêu gọi nhiều tổ chức vào xem xét khảo sát, chứ không chỉ riêng Trường Giang Tam Đảo, mà thời điểm này kinh tế khó khăn, ít công ty vào quá.
Còn việc ai liên kết với ai thành lập công ty với tôi chả có nghĩa gì. Việc con gái tôi có 10% ở Trường Giang Tam Đảo, tôi có hỏi con tôi, nó nói có thành lập công ty với bạn bè, mỗi người có 10% cổ phần. Nhưng việc nó thành lập công ty là một việc, còn có được cấp trên phê duyệt dự án hay không lại là việc khác. Hơn nữa từ ngày AAF cáo buộc này khác, Trường Giang Tam Đảo chẳng thấy ý kiến gì, chả xin thuê nữa.
– PV: Ông có thấy việc mời một (vài) công ty vào đo đạc đất của một tổ chức đang hoạt động, đã được TW cấp phép như vậy có đúng đắn hay không?
Ông Đỗ Đình Tiến: Tôi thấy chẳng có vấn đề gì, việc đó (đo đạc – PV) có ảnh hưởng gì đến ai. Hơn nữa chúng tôi còn đang kêu gọi các công ty vào khảo sát kinh doanh. Nhà nước cũng đã có chủ trương cho phép khai thác các khu rừng làm nơi du lịch nghỉ ngơi và tăng thu nhập. Đây là chủ trương lớn được nhiều bộ ngành đồng tình.
– PV: Tại sao thưa ông, khi AAF đang sử dụng đất đó?
Ông Đỗ Đình Tiến: Như tôi nói, đã có quyết định nào giao đất đâu.
– PV: Nhưng Trung tâm Cứu hộ Gấu đã được cấp phép, đang hoạt động?
Ông Đỗ Đình Tiến: Trung tâm sẽ phải đóng cửa.
– PV: Là một thành phần quan trọng trong dự án, đứng trước nguy cơ Trung tâm bị di dời, ông đã và đang có những nỗ lực nào để giải quyết vấn đề?
Ông Đỗ Đình Tiến: Tôi đang tìm kiếm một vị trí thích hợp để di chuyển Trung tâm đến đó.Tôi đã đi một số nơi, trao đổi với một số cơ quan nhưng vẫn chưa tìm được vị trí nào phù hợp
Câu chuyện ‘gấu Tam Đảo’ đã nổi tiếng đến mức nhiều đại sứ các nước, đại diện các tổ chức quốc tế đã lên tiếng. Chuyện không còn dừng lại ở những chú gấu nữa, mà đã chuyển sang một khái niệm rộng lớn hơn, tựa như uy tín quốc gia hoặc văn hóa – văn minh con người.Không ồn ào như những nghệ sĩ đang đình đám, ngày 3/12, nữ diễn viên Ali MacGraw, ngôi sao của Love Story 40 năm trước sang Việt Nam lặng lẽ viết tiếp một ‘câu chuyện tình’ mới với những chú gấu Tam Đảo.
Bà Ali chia sẻ lý do sang Việt Nam nỗ lực góp tay bảo vệ Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo bởi vì “không ai có thể yên lòng khi nhìn những hình ảnh những con vật tội nghiệp bị hành hạ và khai thác mật một cách tàn nhẫn như vậy. Điều đó đang hủy hoại những giá trị tốt đẹp mà con người đã và đang nỗ lực tạo ra và hướng tới” Tiến sỹ Jill Robinson MBE, người sáng lập và điều hành Tổ chức Động vật Châu Á tiếp lời bà Ali: “Ở cả Trung Quốc và Việt Nam hiện nay có hơn 10 000 cá thể gấu đang được nuôi lấy mật. Những chú gấu được lấy mật bằng nhiều cách, cách nào cũng dã man và đáng sợ”. |