Những cái nhất – nhì đáng xấu hổ

ThienNhien.Net – Việt Nam đạt được thứ hạng nhất- nhì trong khu vực hay trên thế giới, như xuất khẩu hạt tiêu, cà phê, gạo đứng đầu (hay thứ nhì thế giới) là những thành tích đáng mừng. Cũng có những “thành tích” nhất- nhì đáng xấu hổ và chúng ta phải tìm mọi cách loại bỏ.

Vài cách hữu hiệu là Nhà nước có chính sách kiên quyết, báo giới lên tiếng, tạo dư luận xã hội và nâng cao hiểu biết của người dân và quan chức trong việc chống, tránh, loại trừ các “thành tích” bất hảo đó.

Ảnh: Sciencemediacentre.co.nz
Ảnh: Sciencemediacentre.co.nz

Ngày 10.12.2012, sau những lần trì hoãn gây khó hiểu cho báo giới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ trưởng Vấn đề Nước và Môi trường Nam Phi đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trong bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học; thực chất là tìm cách ngăn chặn nạn buôn lậu sừng tê giác từ Nam Phi. Với hành động này, hy vọng Việt Nam thoát được kỷ lục tai tiếng về nạn buôn lậu, về điểm đến, điểm trung chuyển sừng tê giác.

Bà Bộ trưởng Nam Phi cho báo giới biết rằng, nhà chức trách Nam Phi vẫn cho phép săn bắn tê giác (với chi phí khoảng 2,2 tỉ đồng Việt Nam cho việc săn một con) và tạo kẽ hở cho việc săn bắn lậu. Nhưng kỷ lục về số giấy phép cấp cho các “thợ săn” Việt Nam gây choáng váng: 176 giấy phép năm 2009 và 2010 và 114 giấy phép cho “thợ săn” Việt Nam năm 2011 trong tổng cộng 222 giấy phép!

Một đất nước đứng thứ 13 thế giới về dân số, đứng thứ 145 về thu nhập quốc nội/đầu người (theo Ngân hàng Thế giới) trong năm 2011- tức là vẫn thuộc loại rất nghèo- lại đứng đầu thế giới về săn tê giác ở Nam Phi với tỉ lệ khủng khiếp: Trên 51% tổng số giấy phép mà họ cấp cho các thợ săn toàn thế giới!

Trong ba năm này, chi phí cho “thú vui” hay công cuộc kinh doanh trá hình của các “thợ săn” này đã tốn không dưới 600 tỉ đồng. Các thợ săn này là những ai? Trong số đó ai là thợ săn thật, ai là những thợ săn giả? Báo giới Việt Nam có thể hỏi chính quyền Nam Phi xem họ có cho danh sách 290 “thợ săn” Việt Nam được giấy phép này không? Nên công bố danh sách các “thợ săn” đã mang lại kỷ lục đáng hổ thẹn này cho đất nước. Danh nghĩa, họ săn là “hợp pháp” vì có giấy phép của chính quyền Nam Phi. Số thợ săn lậu từ Việt Nam là bao nhiêu?

Chắc có nhiều lý thú khi biết họ là ai, có thực là “thợ săn” hay không? Có tuân thủ giấy phép (“thợ săn” được sở hữu “chiến lợi phẩm”, nhưng không được bán vì mục đích thương mại) hay không? Trong số ít nhất 290 con tê giác bị người Việt Nam hạ ở Nam Phi, bao nhiêu con đã được nhập về Việt Nam?… và còn nhiều câu hỏi khác cần đặt ra.

Chỉ từ đầu tháng 10.2012, với chuyện con tê giác “nhồi bông” của ông Trầm Bê bị cắt mất sừng tại nhà riêng ở Trà Vinh, khiến báo chí vào cuộc, thì dư luận mới biết một ông tên là Ngô Thành Vinh đã có nhập một con tê giác trắng từ năm 2006. Con này như thế không phải là một trong 290 con được săn “hợp pháp” trong ba năm vừa qua.

Từ đầu năm 2012, Nam Phi đã ngừng cấp phép cho người Việt Nam với lý do đáng xấu hổ. Theo bà Bộ trưởng Nam Phi, lý do để cấm người Việt Nam là “đa phần những tay săn tê giác trái phép mà chúng tôi bắt được là người Việt Nam. Phần lớn đơn xin săn tê giác mà chúng tôi nhận được cũng là người Việt Nam… Gần 60% số đơn xin săn tê giác ở Nam Phi từ năm 2010 đến nay là của người Việt Nam”.

Từ tháng 6.2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ngừng cấp phép cho nhập tê giác vào Việt Nam.

Lẽ ra, Việt Nam và Nam Phi đã ký thỏa thuận này vào ngày 19.10.2012 tại Ấn Độ, nhân dịp Hội nghị quốc tế về đa dạng sinh học, nhưng việc ký đã bị trì hoãn đến 10.12 vừa rồi. Hy vọng với bước đi này, sẽ giúp Việt Nam thoát được kỷ lục đáng hổ thẹn về săn bắn và buôn bán tê giác. Tuy nhiên, báo chí vẫn cần vào cuộc quyết liệt để nâng cao hiểu biết của các quan chức và người dân trong bảo vệ tê giác và bảo tồn đa dạng sinh học nói chung.

Mà đâu chỉ có chuyện săn bắn, buôn bán và săn lậu, buôn bán lậu tê giác; Việt Nam còn có những “thành tích” cao về nhiều thứ khác: Đứng thứ tám thế giới về tiêu thụ vàng; đứng thứ 11 trong số các nước có số người tử vong do tai nạn giao thông nhiều nhất thế giới (mỗi năm, khoảng 11 ngàn người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam- gần gấp đôi số binh sĩ Mỹ chết trong cả hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan!); xếp thứ 12 thế giới về số người mắc bệnh lao; đứng thứ ba thế giới về mắc cúm A-H5N1; đứng thứ 13 thế giới về “vô cảm”, vân vân và vân vân.

Phải tạo ra dư luận, ý thức để góp phần thúc đẩy tất cả mọi người- từ người dân đến các quan chức, từ gia đình, doanh nghiệp đến các cơ quan nhà nước- hành động và đóng góp tạo ra thành tích tốt và xóa bỏ hay giảm bớt các “thành tích” xấu để phát triển đất nước, để người dân Việt Nam không phải xấu hổ trong thế giới hội nhập toàn cầu này.