ThienNhien.Net – Ðể ổn định tình hình khai thác khoáng sản titan, trong thời gian tới, UBND tỉnh Bình Định sẽ siết chặt hơn việc quản lý, khai thác loại “vàng đen” này.
Doanh nghiệp chưa tuân thủ các quy định về môi trường
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Định về tình hình và giải pháp quản lý, khai thác, chế biến titan trên địa bàn tỉnh (trình tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Khóa XI), hiện có khoảng 20 doanh nghiệp (DN) đang khai thác titan, trong đó có 5 DN được Bộ TN&MT cấp phép, 15 DN do UBND tỉnh cấp phép, đã khai thác trên 510/1.621 ha được cấp phép. Đến nay, đã có 12 DN đầu tư nhà máy tuyển tinh quặng ilmenite với tổng công suất 667.620 tấn/năm, trong đó có 8 nhà máy đã hoạt động. Hiện, có 10 DN xin đăng ký xây dựng nhà máy chế biến xỉ titan, với nhu cầu 628 ngàn tấn quặng nguyên liệu/năm.
Tuy nhiên, thời gian qua, một số DN đã khai thác mỏ titan lộ thiên không đúng quy trình, chậm hoàn thổ sau khai thác, không tuân thủ nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường. Trong khi đó, công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra của các ngành, cấp về việc khai thác khoáng sản còn thiếu chặt chẽ, chồng chéo nhau. Do đó, đã xảy ra tình trạng cát bay, bụi làm ảnh hưởng đến các khu dân cư, ô nhiễm môi trường và có nguy cơ làm cạn kiệt các mạch nước ngầm. Ngoài ra, các DN khai thác titan còn chậm trễ thực hiện nghĩa vụ đóng góp các loại phí theo quy định. Hiện nay, các DN mới chỉ nộp được 52,9 tỉ đồng/87,3 tỉ đồng tiền đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng; 26,2/54,9 tỉ đồng tiền ký quỹ phục hồi môi trường.
Theo ước tính, hiện tổng trữ lượng quặng sa khoáng titan có thể khai thác được trên địa bàn tỉnh khoảng 4 triệu tấn. Tuy nhiên, nếu với mức độ khai thác như hiện nay (khoảng 450 ngàn tấn/năm) và để đáp ứng lượng quặng nguyên liệu cung cấp cho 10 nhà máy xỉ titan theo như đăng ký, thì chỉ trong 6 năm nữa là địa bàn tỉnh cạn kiệt khoáng sản titan.
Quản lý chặt hoạt động khai thác
Do vậy, để hoạt động khai thác đảm bảo ổn định, lâu dài và ít ảnh hưởng đến môi trường, trong thời gian đến, UBND tỉnh sẽ siết chặt việc quản lý, khai thác titan. Cụ thể, tỉnh sẽ khống chế tổng công suất khai thác trong toàn tỉnh, cao nhất khoảng 250 ngàn tấn/năm. Ngoài ra, không để xảy ra tình trạng các quy hoạch xây dựng khác sử dụng diện tích đất chồng lấn các phần diện tích mỏ titan đã được nhà nước phát hiện, nhất là khu vực đã được điều tra đánh giá, nhằm bảo vệ được giá trị và tính hiệu quả của vùng nguyên liệu phục vụ lâu dài cho các dự án chế biến sâu của tỉnh.
Trước mắt, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 9.1.2012, UBND tỉnh không gia hạn giấy phép cho các DN khai thác titan nếu chưa đảm bảo tình hình ANTT tại địa phương, chưa đảm bảo môi trường và ảnh hưởng đến đời sống người dân ở vùng khai thác. Các DN khai thác titan phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nghĩa vụ với tỉnh: Ký quỹ bảo vệ môi trường, nộp phí, thuế cho Nhà nước, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng cho địa phương trước khi đi vào hoạt động khai thác. Đối với các DN có giấy phép đang còn thời hạn cũng phải thực hiện việc đánh giá thực chất tác động môi trường, đảm bảo tuân thủ việc hoàn thổ, trồng rừng theo đúng quy định.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định sẽ xây dựng cơ chế phối hợp cung cấp thông tin về hoạt động khoáng sản giữa các đơn vị như Sở Công Thương, Sở TN&MT, Sở Tài chính, Cục thuế, Cục Hải quan, Công an tỉnh, BĐBP, nhằm phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước và tránh thất thoát thuế. Bên cạnh đó, các ngành cũng tăng cường công tác hậu kiểm định kỳ và đột xuất thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý, thậm chí thu hồi giấy phép đối với các DN vi phạm.