ThienNhien.Net – Khu vực rừng Ya Hoa (xã Ka Đô, Đơn Dương, Lâm Đồng) thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương vốn là rừng nguyên sinh, nay không còn rừng.
Tan hoang rừng Ya Hoa
Rừng ở đây sau khi bị phá thành rừng tái sinh phục hồi nhưng giờ cũng không còn rừng. Ông Mẫn – người dẫn đường cho biết trước đây con đường dẫn lên Ya Hoa đủ để chạy xe máy thì nay đã mở rộng cho xe reo, xe tải ra vào chở gỗ.
Theo ghi nhận tại tiểu khu 329 Ka Đô, cả ngàn hecta rừng bị tàn phá, giờ cây rừng đang tái sinh, cao chừng năm, ba mét. Bên trong, hàng ngàn cây rừng bị đốn hạ còn trơ gốc, hàng trăm lóng gỗ tròn bỏ lại hiện trường.
Giữa năm 2005, tỉnh Lâm Đồng thu hồi hơn 1.000 ha tại tiểu khu 321 và 329 thuộc hai xã Lạc Xuân và Ka Đô (huyện Đơn Dương) do Ban Quản lý rừng Ya Hoa (nay là Trạm Phân trường 4) quản lý để giao cho một công ty quản lý, bảo vệ, trồng rừng kết hợp chăn nuôi. Tuy nhiên, gần cuối năm tỉnh lại giao số rừng này cho ba công ty khác. Báo cáo kết quả kiểm kê tài nguyên rừng tại hai tiểu khu trên thì hơn 99% ha là đất có rừng. Trong đó trạng thái rừng cần khoanh nuôi, cấm xâm hại chiếm gần 58%. Thế nhưng sau khi giao rừng cho ba công ty thì toàn bộ diện tích rừng đã bị cạo trọc!
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, ngoài số rừng đã giao nêu trên, tỉnh còn giao khoảng 1.000 ha khác tại khu vực rừng Ya Hoa cho sáu công ty.
Theo số liệu từ kiểm kê tài nguyên rừng, hơn 1.000 ha rừng ở hai tiểu khu 321 và 329 có trữ lượng trên 22.000 m3 gỗ quý các loại như: cẩm liên, cà chí, cà chắc, gân gai, móng bì, mã tiền và trên 200.000 tấn lồ ô, le, tre nứa. Theo người dân, sau khi giao rừng cho các công ty, hàng ngàn khối gỗ tuồn về huyện Ninh Sơn, Ninh Phước (Ninh Thuận).
Tổng trữ lượng gỗ này bị “bốc hơi” ra khỏi rừng theo chủ trương lập dự án quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng đến nay chưa có cơ quan chức năng nào của tỉnh Lâm Đồng xác minh, kiểm tra theo đơn tố cáo của một số hộ dân.
Giám đốc một công ty từng được giao rừng làm dự án cho biết: Từng xảy ra việc lập dự án tại khu vực rừng Ya Hoa để được giao rừng, thuê rừng. Sau khi khai thác gỗ, công ty sẽ sang bán lại dự án.
Rừng tiếp tục chảy máu
Vùng giáp ranh giữa Ninh Thuận và Lâm Đồng tập trung nhiều gỗ hương (thuộc nhóm I) nên rất nhiều lâm tặc đến nhòm ngó. Các cơ quan chức năng (kiểm lâm, công an) liên tục truy quét, bắt giữ nhiều vụ khai thác, vận chuyển gỗ lậu nhưng nạn khai thác trộm không giảm.
Đầu tháng 11, lực lượng kiểm lâm tuần tra, phát hiện tại khu vực rừng tự nhiên Tà Nôi thuộc huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) tiếp giáp với rừng Tà Năng (Đơn Dương, Lâm Đồng) hàng chục cây gỗ hương bị lâm tặc đốn hạ. Tại hiện trường, ngổn ngang hàng trăm gỗ lóng thành phẩm, gỗ bìa chưa kịp đưa ra khỏi rừng.
Tối 16-10, xe chở gỗ của Tổ kiểm lâm cơ động và Phòng chống chữa cháy rừng, thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Ninh Sơn mang gần 3 m3 gỗ hương thu giữ đến gửi ở trạm cửa rừng Ma Nới nhưng không lập biên bản giao nhận nhóm gỗ, khối lượng gỗ. Việc thu giữ trong khu vực quản lý của Trạm bảo vệ rừng Tà Nôi nhưng tổ kiểm lâm không báo cho trạm này. Việc gửi gỗ có nhiều khuất tất này đang được Sở NN&PTNT chỉ đạo Phòng Thanh tra phối hợp Phòng Tổ chức cán bộ (thuộc Sở) thanh tra, làm rõ để báo cáo cho tỉnh.
Gửi phong bì cho phóng viên
Ngày 23/11, trên đường trở về sau khi tìm hiểu rừng Tà Nôi bị phá, ông N. (xưng là cán bộ của một công ty lâm nghiệp) hẹn gặp chúng tôi tại một quán cà phê ở thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn. Tại đây, ông N. cho biết có phần trách nhiệm trong vụ kiểm lâm “gửi” gỗ ở cửa rừng. Ông đã đưa phong bì đựng tiền để bồi dưỡng, xin được bỏ qua và chúng tôi từ chối. |