Tuế!

ThienNhien.Net – Nếu bạn đã từng thấy một cây Thiên tuế hay Vạn tuế ra lá mới, bạn sẽ hiểu tại sao loài cây này lại biểu trưng cho mong muốn trường tồn, trường thọ của con người. Thân Tuế trông khô cằn, sần sùi như từng trải qua nhiều nắng gió, nhưng hàng năm trên ngọn cây vẫn từ từ cuộn mở những chiếc lá kép hình lông chim lớn, màu xanh non, sắc tươi sáng. Một sức sống mãnh liệt luôn vươn lên từ trong thân cây cằn cỗi, tuổi tác.

Nhìn những cây Tuế xanh tươi, chúng ta liên tưởng tới một thời đại trong lịch sử Trái đất, thời đại của những loài khủng long khổng lồ nô đùa trong các cánh rừng quyết, rừng dương xỉ bạt ngàn. Những cây Tuế ngày nay chính là những “hóa thạch sống” của thời đại đó. Nét cổ kính và sức sống bên trong đã giúp cây sống mãi tới ngày nay.

Trong tự nhiên, cây Tuế mọc nhiều trên các sườn núi vùng ven biển hay hải đảo. Những loài Tuế đá sinh sôi trên các vách núi dựng đứng, nơi mà hiếm có một loài cây lớn nào mọc được. Xuyên qua các kẽ đá, cây Tuế vươn cao, đứng sừng sững như những tượng đài trầm lắng của thiên nhiên. Những cây Tuế đất lại mọc rải rác dưới các tán rừng thưa ở những nơi bằng phẳng hơn. Một số loài có phần thân ngầm mọc dưới đất rất phát triển. Phần thân ngầm này giúp cây sống sót và tái sinh sau những vụ cháy rừng tự nhiên hoặc cháy do con người gây ra.

Cây Tuế cũng ra “hoa” và kết hạt. Cây Tuế đực ở tuổi trưởng thành hàng năm đến mùa tạo ra một cụm hoa hình bắp ở đỉnh. Cây Tuế cái kết hoa xung quanh ngọn thành hình mâm xôi, bên trong có chứa rất nhiều hạt. Những hạt này hình bầu dục, vỏ bóng giống như quả cau. Khi hạt chín, đem gieo xuống đất ẩm sẽ nảy mầm thành những cây Tuế mới.

Việt Nam có một số loài Tuế tiêu biểu, đặc sắc như Tuế lá xẻ (Cycas micholitzii), Tuế xẻ nhiều lần (C. multipinata), Tuế lược (C. pectinata), Tuế đá vôi (C. miquelii), Tuế ba-lăng-xa (C. balansae), Tuế lá xoăn dài (C.dolichophylla)…

Cây Tuế lá xoăn dài đang trổ hoa (Ảnh chụp ở Khu BTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông, Hòa Bình)