Thằm Luông: Đằng sau những vụ phá rừng ở Khu BTTN Pu Canh

ThienNhien.Net – Những ngày trung tuần tháng 9 vừa qua, các phiên tòa xét xử 45 bị cáo là công dân hai xã Đoàn Kết, Tân Minh (Đà Bắc) về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng xảy ra tại khu vực Bưa Phay thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh đã kết thúc.

Hơn 2 tháng trôi qua, giờ đây đến Đoàn Kết, nhất là đến bản Thằm Luông, nơi có tới hơn 30 người đã phải ra hầu tòa và hơn 20 người bị xử lý hành chính về hành vi phá rừng đã bớt đi không khí nặng nề. Nhịp sống thường nhật đã trở lại, mọi người, mọi nhà lại hối hả, tất bật với công việc nhà nông. Cánh thanh niên thì đã “treo rìu, gác cưa”, những vật dụng từng gắn bó với họ để về thành phố tìm việc làm mới. Sự nghiêm minh của pháp luật không chỉ giúp những người đã từng bị gọi là “lâm tặc” ở đây tỉnh ngộ mà còn tác động sâu sắc tới nhận thức, ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường của người dân từ Thằm Luông, Lăm đến Cang, Khem những bản làng có đồi, rừng chiếm tới 2/3 diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh.

Vụ án phá rừng đã khép lại nhưng giờ đây, khi trở lại hiện trường chứng kiến những cây gỗ quý bị đốn hạ, những thảm thực vật bị tàn phá ai nấy đều xót xa, tiếc nuối. Anh Lò Văn Chiến, Phó CA xã Đoàn Kết cho biết: “Liên tục trong 3 tháng 5, 6, 7/2011, 18 cây gỗ phay có đường kính từ 2 m trở lên thuộc khu vực Bưa Phay (khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh) đã bị đốn hạ với khối lượng trên 174 m3 gỗ, hàng chục ste củi. Tham gia vụ phá rừng này có tổng số 69 người, trong đó có 24 người bị cơ quan Kiểm lâm xử lý hành chính và 45 người bị truy tố. Có gia đình cả 2 bố con, có gia đình cả 2 anh em ruột tham gia phá rừng cùng bị khởi tố. Nhờ chính sách khoan hồng của Nhà nước nên 100% bị cáo được hưởng án treo, trong đó, mức án cao nhất 30 tháng và thấp nhất 9 tháng.

Mặc dù “Lâm tặc” đã bị xử lý theo quy định của pháp luật bằng hình phạt, phạt tiền và không ít người đã phải bán trâu, xe máy để nộp tiền bồi thường thiệt hại nhưng những cây phay và thảm thực vật của rừng nguyên sinh đã bị tàn phá, tài nguyên thiên nhiên quý giá đã bị xâm hại. Điểm qua hồ sơ vụ án của vài nhóm “lâm tặc” mới thấy rõ hậu quả. Cây phay do nhóm của Triệu Văn Tân cùng 4 người khác đốn hạ có khối lượng 16,918 m3 gỗ và 6 ste củi, trị giá trên 53 triệu đồng; khối lượng cây phay do nhóm của Lý Văn Xuân cùng 8 người khác đốn hạ là 13,543 m3 gỗ và 4 ste củi, trị giá hơn 42,2 triệu đồng; cây phay do nhóm Lò Văn ước cùng 8 người khác đốn hạ có khối lượng 11,059 m3 và 3 ste củi, trị giá trên 34,4 triệu đồng…

Mặc dù “Lâm tặc” đã bị xử lý nhưng những cây phay và thảm thực vật của rừng nguyên sinh đã bị tàn phá, tài nguyên thiên nhiên quý giá đã bị xâm hại (Ảnh: Nguyễn Xuân Lãm/PanNature)

Cũng từ hồ sơ vụ án, dư luận đặt câu hỏi về vai trò trách nhiệm và công tác phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh với cấp ủy, chính quyền cơ sở. Bởi trong thực tế để đốn hạ 18 cây phay ở khu vực Bưa Phay, các nhóm “lâm tặc” đã phải mất thời gian kéo dài tới 3 tháng (từ tháng 5-7/2011). Khu vực Bưa Phay chỉ cách bản Thằm Luông chưa đầy 2 km với hàng chục người tham gia, ngày cưa, chặt, tối xẻ. Để đốn hạ những cây gỗ lớn các nhóm lâm tặc phải làm cả giàn giáo. Đường lên Bưa Phay giờ vẫn hằn sâu vết trâu kéo gỗ. “Lâm tặc” không chỉ dùng rìu, cưa tay mà có nhóm còn dùng cả cưa máy để đốn hạ, cắt nên không thể nói là khó phát hiện âm thanh lạ phát ra từ rừng già… Vì thế, việc tổ chức truy quét, phân loại đối tượng để xử lý hành chính và đề nghị truy tố sau khi vụ việc đã xảy ra cũng chỉ là giải quyết hậu quả. Nếu bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình làm tốt công tác phòng ngừa, hậu quả sẽ không nghiêm trọng đến thế (!?).

Hồ sơ vụ án đã khép lại nhưng bất cứ ai đến Đoàn Kết và nhất là đến bản Thằm Luông cũng đều băn khoăn, trăn trở khi chứng kiến đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hiện hộ nghèo của xã còn chiếm tới 54,77%, thu nhập bình quân mới chỉ đạt 8 triệu đồng/người/năm. Riêng bản Thằm Luông, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã, chiếm tới 60% và thu nhập bình quân thấp nhất xã 7,5 triệu đồng/người/năm. Bà Hà Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Cả xã có 81 ha lúa vụ chiêm – xuân, 98 ha lúa vụ mùa, 450 ha ngô, 350 ha sắn, diện tích đồi rừng còn lại đa số nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh thuộc 4/6 xóm gồm Thằm Luông, Lăm, Cang, Khem. Hệ thống thủy lợi mới chỉ đảm bảo nước tưới cho trên 50% diện tích đất canh tác. Cây keo, cây mỡ đã được đưa về trồng nhằm phủ xanh đất trống, đồi trọc và phát triển kinh tế rừng nhưng do điều kiện khí hậu thổ nhưỡng không phù hợp nên đa số đã chết hoặc còi cọc, đến nay cũng chưa có cây gì khác thay thế. Xã cách xa trung tâm huyện tới 45 km, sản phẩm nông – lâm sản làm ra tiêu thụ khó, giá cả thấp. Năm 2010 và đầu năm 2011, cả xã có tới 331 con trâu bị chết rét, diện tích lúa vụ mùa năm 2011, hoàn toàn mất trắng nên khó khăn càng thêm khó khăn. Từ khi các nhóm “lâm tặc” bị lập hồ sơ đưa ra xét xử và một số người bị xử lý hành chính đến nay, tình trạng khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn xã đã chấm dứt”.

Theo bà Lý Thị Xuân, Bí thư chi bộ bản Thằm Luông những người tham gia chặt phá 18 cây phay ở khu Bưa Phay hầu hết là hộ nghèo và cận nghèo nên cùng với nhận thức về công tác quản lý bảo vệ rừng còn hạn chế, một bộ phận dân cư tham gia phá rừng do “đói ăn vụng, túng làm liều”.

Từ thực tế trên cho thấy, để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng không chỉ cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng dân cư mà còn phải chú trọng chăm lo đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa, có cơ chế, chính sách phù hợp để người dân có vốn có kiến thức để đầu tư, ứng dụng vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các ngành chức năng và chính quyền cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và có giải pháp quyết liệt để ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tình trạng xâm hại tài nguyên thiên nhiên ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh.