ThienNhien.Net – Sau 4 năm hoạt động, chương trình đầu tư của Quỹ đối tác về các hệ sinh thái trọng yếu (CEPF) ở điểm nóng đa dạng sinh học Indo-Burma do BirdLife International thực hiện đã tài trợ hơn 9,8 triệu USD cho 54 tổ chức xã hội dân sự ở Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. CEPF và BirdLife International đã nhận được hơn 300 đề xuất dự án từ các tổ chức hoạt động trong vùng và tài trợ cho 44 dự án lớn (từ US$20,000 trở lên) và 70 dự án nhỏ (đến US$20,000) trong toàn khu vực.
Sau khi cập nhật Bản mô tả sơ lược hệ sinh thái – một chiến lược bảo tồn theo định hướng của các bên có liên quan, Hội đồng nhà tài trợ đã quyết định tái đầu tư vào điểm nóng Indo-Burma. Tổng số 8,85 triệu USD tái đầu tư sẽ bắt đầu khi chương trình đầu tư 5 năm ban đầu của CEPF dự định kết thúc vào tháng 6 năm 2013. Quyết định tái đầu tư vào điểm nóng này – bao gồm các vùng đất liền của Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và một phần Nam Trung Quốc – sẽ giúp hạn chế được việc ngắt quãng giữa các giai đoạn tài trợ, đảm bảo tính liên tục của các nỗ lực bảo tồn do các tổ chức xã hội dân sự tiến hành ở một trong những điểm nóng bị đe dọa lớn nhất và tận dụng được nguồn tài chính từ các tổ chức đã hỗ trợ cho quá trình cập nhật Bản mô tả sơ lược hệ sinh thái.
Bản mô tả sơ lược hệ sinh thái được cập nhật do sự trợ giúp từ các Quỹ MacArthur, Margaret A. Cargill, McKnight và CEPF phối hợp với BirdLife International in Indochina, Tổ chức bảo tồn quốc tế-Chương trình Trung Quốc, Vườn thực vật và Nông trại Kadoorie, Học viện Samdhana và Quỹ Phát triển và Môi trường xanh Vân Nam.
CEPF bắt đầu chương trình đầu tư 5 năm của mình ở Đông Dương từ tháng 7 năm 2008 và tổ chức BirdLife International được chọn là Nhóm thực hiện cấp vùng. Hoạt động theo Bản mô tả sơ lược các hệ sinh thái được xây dựng qua quá trình họp tư vấn vào năm 2003 và được cập nhật năm 2011, chiến lược đầu tư của CEPF tập trung vào sông Mekông và các nhánh chính, vùng đá vôi giữa Trung Quốc – Việt Nam. Trong giai đoạn tái đầu tư tới đây, khu vực hồ Tonle Sap và vùng ngập nước, dãy núi Hải Nam và Myanmar được đưa vào thêm trong danh sách các khu vực địa lý được ưu tiên.
Trong giai đoạn 5 năm đầu tiên, chương trình tài trợ của CEPF đã tạo ra ảnh hưởng tích cực tới công tác bảo tồn loài, địa điểm và hành lang địa lý quan trọng cũng như mang lại lợi ích hữu hình về sinh kế cho các cộng đồng địa phương và nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội dân sự trong nước hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học. Tới nay, các dự án do CEPF tài trợ trong điểm nóng đã xác định và/hoặc bảo vệ quần thể chính của 47 loài bị đe dọa toàn cầu, thành lập nhóm bảo tồn tại chỗ cho 11 loài và kế hoạch bảo vệ nơi sinh sản cho 9 loài trong số đó. Công tác bảo vệ và quản lý được đẩy mạnh trên diện tích 1,5 triệu hecta trải dài qua 24 điểm đa dạng sinh học chính trong khu vực và giúp thành lập các khu bảo tồn mới với diện tích hơn 30,000 hecta…