ThienNhien.Net – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản trả lời góp ý dự thảo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Tiếp thu ý kiến về điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch
Đối với ý kiến bạn đọc góp ý dự thảo nên bổ sung quy định các điều kiện cơ bản về công bố dịch và công bố hết dịch, cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến, đã bổ sung tại Điều 17 của dự thảo Luật về điều kiện cơ bản để công bố dịch: Khi sinh vật gây hại phát sinh và đang lây lan nhanh trên diện rộng, có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng tài nguyên thực vật; khi phát hiện sinh vật gây hại lạ có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng tài nguyên thực vật; khi sinh vật gây hại kiểm dịch thực vật xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam, có nguy cơ lây lan, gây hại nghiêm trọng. Dự thảo cũng giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục công bố dịch.
Tại Điều 19 của dự thảo Luật cũng đã nêu điều kiện cơ bản để công bố hết dịch là khi dịch đã được khống chế và không còn nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng.
Có ý kiến góp ý về thẩm quyền công bố dịch không nên phân cấp, quy định công bố dịch tập trung vào một đầu mối là cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Dự thảo Luật đã quy định về thẩm quyền công bố dịch là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố nơi có dịch xảy ra. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố dịch khi có dịch từ 2 tỉnh liền kề trở lên và khi phát hiện có sinh vật gây hại kiểm dịch thực vật, sinh vật gây hại lạ.
Quy định trên nhằm đảm bảo cho tính chủ động của tỉnh nơi có dịch, đảm bảo huy động được mọi nguồn lực trong tỉnh thực hiện công tác phòng chống dịch tại địa phương. Đồng thời cũng bảo đảm được sự chỉ đạo thống nhất kịp thời việc chống dịch khi có dịch từ hai tỉnh trở lên và khi phát hiện sinh vật gây hại kiểm dịch thực vật gây hại lạ thì Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phải công bố dịch.
Đối với ý kiến góp ý cần bổ sung quy định cụ thể về tổ chức, thành phần, nguồn lực hoạt động… cho Cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật, mạng lưới bảo vệ thực vật, cơ quan soạn thảo thấy rằng các nội dung này sẽ được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân.
Quy định cụ thể về ghi hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Bạn đọc cũng đóng góp ý kiến nên quy định cụ thể về ghi hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên bao bì. Đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu yêu cầu phải ghi hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Về điều này, Cơ quan soạn thảo cho biết đã tiếp thu ý kiến góp ý trên tại Khoản 1 Điều 70 là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng với hướng dẫn đã ghi trên nhãn thuốc. Quy định này nhằm đảm bảo thuận lợi cho việc người sử dụng sẽ chỉ cần đọc hướng dẫn trên nhãn thuốc bảo vệ thực vật mà sử dụng không cần tìm hiểu hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đối với thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu yêu cầu phải ghi hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt đã được quy định trong Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa.
Noài các ý kiến nêu trên, nội dung góp ý “Việc quy định người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được tập huấn và hướng dẫn theo quy định; người sử dụng thuốc hạn chế sử dụng phải được cấp giấy chứng nhận là cần thiết nhưng thực tế số người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là rất lớn nên cần quy định như thế nào để đảm bảo tính khả thi” cũng đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu và quy định tại Khoản 2 Điều 70 là người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải được hướng dẫn và có hiểu biết về sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả và bảo đảm an toàn cho bản thân, cộng đồng và môi trường. Người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng để xông hơi khử trùng phải được cấp giấy chứng nhận tập huấn theo quy định.
Sẽ quy định chi tiết về xử phạt vi phạm trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong Nghị định
Về ý kiến “đề nghị bổ sung các chế tài xử phạt đối với hành vi lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hoặc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định”, cơ quan soạn thảo đề nghị không bổ sung quy định về xử phạt vi phạm trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vào dự thảo Luật mà quy định này sẽ được quy định chi tiết về hành vi và mức phạt tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật của Chính phủ (hiện đang được quy định tại Nghị định số 26/2003/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật).
Ngoài ra Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 91/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm trong đó tại Điều 17 quy định về hành vi và mức phạt đối với sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc thực vật có chứa hóa chất độc hại hoặc vi phạm chỉ tiêu an toàn theo quy định.