ThienNhien.Net – Đây là con số mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh công bố tại buổi họp báo chiều tối ngày 10/12 sau khi Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) kết thúc.
Hơn 30 đối tác hỗ trợ phát triển cho Việt Nam đã cam kết ODA là 6,485 tỷ USD nhưng không công bố con số cụ thể của từng nhà tài trợ. Đây là con số không nhỏ trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái ảnh hưởng đến các quốc gia tài trợ.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, kinh tế Việt Nam tuy đạt được những thành quả nhất định nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ. Việc nhận rõ hạn chế của nền kinh tế và tiếp thu kinh nghiệm của các đối tác phát triển giúp Chính phủ hoàn thiện chính sách để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn viện trợ, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Về kết quả của Hội nghị, từng nhóm công tác chuyên đề tại Hội nghị đã tổng hợp ý kiến trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, dạy nghề, đất đai, chống tham nhũng…, cũng như thành lập các diễn đàn chuyên sâu để trao đổi kinh nghiệm quốc tế…
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, băn khoăn lớn nhất của các nhà tài trợ cho Việt Nam là tiến độ giải ngân, dù trong năm 2012 đã được cải thiện rất nhiều. Trên thực tế, các địa phương thường cam kết đảm bảo vốn đối ứng nhưng lại không căn cứ vào ngân sách của mình mà trông chờ vào ngân sách trung ương nên thường dẫn tới thiếu vốn đối ứng.
Ngoài ra, một số dự án phải giải phóng mặt bằng quy mô lớn còn chậm, năng lực và tính chuyên nghiệp của các ban quản lý dự án ODA cũng như việc lập báo cáo tiền khả thi, lập dự toán, xử lý vướng mắc giữa ban quản lý và đối tác còn nhiều hạn chế.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, việc các nhà tài trợ vẫn dành cho Việt Nam mối quan tâm, hỗ trợ lớn trong khi chính các quốc gia tài trợ cũng phải thắt lưng buộc bụng, chống chọi với nợ công là rất đáng trân trọng.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cam kết tiếp tục cải thiện cách thức quản lý để giải ngân đảm bảo tiến độ, sử dụng hiệu quả hơn vốn ODA, đáp ứng kỳ vọng của các nhà tài trợ.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng, các đối tác phát triển tin tưởng vào khả năng sử dụng viện trợ hiệu quả của Việt Nam vẫn muốn sự tăng cường giám sát để phát hiện rủi ro và nâng cao năng lực quản lý các dự án ODA.
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số vốn ODA giải ngân tính đến hết tháng 11/2012 ước đạt 3,56 tỷ USD và cả năm 2012 dự kiến là 3,9 tỷ USD, tăng hơn 10% so với mức giải ngân của năm 2011. Trong đó, ODA vốn vay là 3,65 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại là 250 triệu USD.
Năm sau, Hội nghị CG sẽ được nâng cấp thành Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển Việt Nam và sẽ lựa chọn những vấn đề quan trọng nhất để thảo luận và khuyến nghị.