ThienNhien.Net – Việt Nam vừa đạt một thỏa thuận viện trợ 30 triệu USD để chuẩn bị thực hiện dự án chống mất rừng và suy thoái rừng, bên lề hội nghị biến đổi khí hậu quốc tế đang diễn ra ở Qatar. Đây được cho là sự góp thêm sức ép buộc chấm dứt các dự án thủy điện định xây trong các vườn quốc gia (VQG) hay khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN).
Theo TS Đào Trọng Tứ, chuyên gia thủy điện và thủy lợi, bao lâu nay, mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng thường phải nhường bước cho các mục tiêu phát triển kinh tế, nhất là phát triển thủy điện. Rất hiếm dự án phát triển kinh tế hay thủy điện nào bị loại chỉ vì ưu tiên bảo tồn cho đến khi chính các dự án ấy phát sinh các sự cố. Vì thế, trong nhiều trường hợp, ban quản lý các VQG hay các KBTTN thường đứng ngoài các quyết định sử dụng rừng, các quá trình lập quy hoạch thủy điện trên lưu vực.
Nói riêng quy hoạch thủy điện trên sông Thanh và sông Đồng Nai gây sự chú ý của dư luận thời gian gần đây, Ban quản lý các VQG Cát Tiên ở tỉnh Đồng Nai và KBTTN Sông Thanh ở tỉnh Quảng Nam đều không biết, không được tham vấn trong quá trình quy hoạch thủy điện trên các sông Đồng Nai và Sông Thanh.
Sau một quá trình đàm phán kéo dài đầy chông gai và trước các cam kết mạnh mẽ từ phía Việt Nam, ngày 5/12, tại Doha, Qatar, trong khuôn khổ hội nghị lần thứ 18 (COP18) các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Chính phủ Na Uy chính thức tuyên bố cam kết giúp VN vãn hồi đà phá rừng.
Cụ thể, từ nay đến năm 2015, sẽ giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế nỗ lực mất rừng và suy thoái rừng kết hợp bảo tồn, quản lý bền vững, và tăng dự trữ carbon (viết tắt tiếng Anh là REDD+).
Cam kết được thể hiện bằng bản tuyên bố chung về hợp tác thực hiện sáng kiến REDD+ do Bộ trưởng NN&PTNT của Việt Nam và Bộ trưởng Môi trường Na Uy ký.
Năm 2009, Na Uy đã tài trợ cho việc chuẩn bị thực hiện REDD+ tại Việt Nam thông qua Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn I với tổng số kinh phí gần 4,4 triệu USD.
Việc nhiều diện tích rừng đặc dụng ở nước ta thời gian qua bị chuyển đổi mục đích sử dụng để làm các công trình thủy lợi và thủy điện gây quan ngại không nhỏ cho nhà tài trợ. Các hành động đó bị cho là đi ngược lại cam kết quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, xóa đói giảm nghèo, cũng như cam kết đóng góp vào nỗ lực chung bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.
Trước lời hứa của phía Việt Nam, phía Na Uy đã quyết định tài trợ tiếp cho Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II từ 2012-2015. Quyết định này, theo ông Phạm Mạnh Cường – Giám đốc Văn phòng REDD+ Việt Nam, nhằm giúp Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực về tổ chức, thể chế và kỹ thuật thực hiện REDD+.
Ngoài ra còn giúp Việt Nam thí điểm thực hiện REDD+ tại sáu tỉnh. Tổng kinh phí viện trợ không hoàn lại cho các hoạt động này khoảng 30 triệu USD.
Căn cứ vào kết quả thực hiện trên thực tế, phía Na Uy sẽ xem xét có tiếp tục tài trợ bổ sung cho giai đoạn 2012-2015, cũng như chi trả cho kết quả giảm phát thải do thực hiện REDD+ và nông nghiệp carbon thấp cho giai đoạn sau năm 2015 hay không.