(Dân Việt) – Tiêu chí đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT) trong Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Lào Cai đang gặp khó, khi điều kiện cơ sở hạ tầng, kiến thức và tập quán sinh hoạt của người dân nơi đây còn rất nhiều hạn chế.
Khó vì tập quán, thói quen
Đến các thôn, bản ở Lào Cai, điều dễ nhận thấy là tình trạng rác thải, nước thải sinh hoạt, chăn nuôi xả ra tràn lan gây ô nhiễm môi trường, khiến các đường làng, ngõ xóm không đảm bảo vệ sinh và gây mất mỹ quan.
Khi bàn về việc thực hiện tiêu chí đảm bảo VSMT trong Chương trình xây dựng NTM, anh Trịnh Xuân Vương – Bí thư xã Lùng Phình (huyện Bắc Hà) cho rằng: Tập quán lạc hậu của người dân trong sinh hoạt và sản xuất sẽ gây khó khăn cho địa phương khi xây dựng NTM. Là tỉnh vùng cao, lại luôn thiếu nguồn nước nên việc giữ gìn VSMT ở Lào Cai càng không dễ dàng.
Ở xã ven TP. Lào Cai như Đồng Tuyển cũng gặp nhiều cái khó khi giải quyết vấn đề rác thải. Hiện tại, người dân các thôn vẫn thải rác tự do, trong đó có nhiều khu dân cư nằm ngoài trục đường lớn, vì chưa có điểm đặt thùng rác và đơn vị thu gom. Xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng) là một trong những địa phương rất tích cực tìm giải pháp để xử lý rác thải sinh hoạt.
Được huyện hỗ trợ cho xe của công ty môi trường thu gom rác thải về bãi rác chung, xã đã thành lập 2 tổ thu gom và tập kết rác. Tuy nhiên, do địa bàn xã rộng với 20 thôn, bản nên giải pháp này chỉ như “muối bỏ bể”. Giải pháp quan trọng nhất là tuyên truyền người dân xử lý rác thải theo đúng quy định như đốt, chôn, sử dụng nguồn phân, rác thải vào sản xuất…, nhưng đến nay vẫn chưa được người dân trong xã chú ý thực hiện.
Theo đánh giá của ông Đinh Văn Sửu – Giám đốc Trung tâm NSVSMTNT Lào Cai, tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn có xu hướng tăng, nhưng việc đầu tư hỗ trợ giải quyết về VSMT mới được khởi động bằng một số dự án nhỏ, chủ yếu trông chờ vào Nhà nước, chưa huy động được xã hội tham gia. Vấn đề kiểm soát chất lượng nước ở các công trình cấp nước thôn, bản gặp nhiều khó khăn, bởi thiếu cán bộ chuyên môn, thiếu trang thiết bị xét nghiệm nước.
Trong khi nhiều nơi người dân chưa có thói quen làm nhà tiêu hợp vệ sinh và sử dụng nguồn phân thải vào sản xuất thông qua công nghệ xử lý. “Tỷ lệ trường học trên địa bàn có công trình cấp nước và vệ sinh còn thấp, do số lượng trường và điểm trường nhiều, phân tán; nhiều trường xây dựng chưa có quy hoạch rõ ràng nên không xây nhà vệ sinh và công trình nước sạch” – ông Sửu cho biết.
Gắn với làm nông thôn mới
Hàng năm, tỉnh Lào Cai triển khai nhiều dự án về NSVSMT trên địa bàn bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như: Nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia NSVSMTNT, vốn Chương trình 120, 134, 135, định canh định cư…, đã góp phần cải thiện môi trường sống của người dân, giảm tỷ lệ người mắc các bệnh liên quan đến môi trường và sử dụng nước không hợp vệ sinh (HVS).
Đến hết năm 2011, Lào Cai đã có 81% hộ gia đình được sử dụng nước HVS; 36% hộ có nhà tiêu HVS; 20% số hộ có chuồng trại chăn nuôi HVS…
Để thực hiện tiêu chí xây dựng NTM về VSMT, tỉnh Lào Cai đã xây dựng kế hoạch giai đoạn 2012 – 2015, với mục tiêu phấn đấu 85% số hộ được cấp nước sinh hoạt HVS; 70% số hộ có nhà tiêu HVS; chuồng trại và công trình xử lý chất thải chăn nuôi HVS đạt 45%; trường học, trạm xá xã có công trình cấp nước và nhà vệ sinh HVS đạt 100%. Theo đó, tỉnh sẽ phải đầu tư, nâng cấp và làm mới gần 250 công trình cấp nước tự chảy tập trung; gần 1.000 nhà vệ sinh trường học, hơn 20 nhà vệ sinh cho trạm y tế xã…
Nhưng cùng với sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, các địa phương trong tỉnh cần phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phát huy nội lực, nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn VSMT sống để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia NSVSMT gắn với Chương trình xây dựng NTM ở Lào Cai.