ThienNhien.Net – Ngày 4/12, tại Hội nghị COP18, đang diễn ra tại thủ đô Doha của Qatar, trưởng phái đoàn Trung Quốc Giải Chấn Hoa cho biết, nước này đã quyết định dành 200 triệu USD nhằm hỗ trợ cho các chương trình khí hậu tại châu Phi, những nước kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ để đối phó với các thách thức nghiêm trọng của hiện tượng biến đổi khí hậu. Số tiền này sẽ được giải ngân trong ba năm tới.
Theo ông Giải Chấn Hoa, một số nước đang phát triển đã đạt nhiều tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.
Ví dụ như Grenada một quốc đảo nhỏ ở vùng biển Caribe, đã giảm một nửa lượng tiêu thụ năng lượng, và tiết kiệm một triệu USD chi tiêu công bằng việc ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng do Trung Quốc cung cấp.
Trung Quốc cũng đã đưa ra các chương trình huấn luyện về biến đổi khí hậu dành cho hàng trăm quan chức và kỹ thuật viên từ nhiều quốc gia đang phát triển khác, và con số này có thể lên tới 2.000 người trong vòng hai năm tới.
Các nỗ lực của Trung Quốc đã được hoan nghênh tại các cuộc đàm phán ở Doha. Ông Tewolde Berhan, Tổng Giám đốc Cơ quan Bảo vệ môi trường của Ethiopia, cho biết nước này đã nhận được sự giúp đỡ của Trung Quốc cho dự án phát triển thủy điện.
Tại hội nghị, bà Helen Clark, người phụ trách Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng hợp tác Nam – Nam rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và đấu tranh chống lại sự nóng lên của khí hậu toàn cầu.
Cũng trong ngày 4/12, phát biểu tại Hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng thế giới đang phải đối mặt với một “cuộc khủng hoảng” về tình trạng Trái Đất nóng lên, đồng thời yêu cầu các nhà đàm phán đang có nhiều tranh cãi cần thể hiện “cam kết chính trị mạnh mẽ” và thỏa hiệp.
Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết, biến đổi khí hậu đang “diễn ra nhanh hơn chúng ta tưởng tượng rất nhiều”, đồng thời lấy ví dụ về siêu bão Sandy quét qua nước Mỹ hồi tháng trước để kêu gọi hành động trước khi quá muộn.
Cũng theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, các nhà đàm phán tại Doha cần tái khẳng định cam kết gia hạn Nghị định thư Kyoto, văn bản hết hiệu lực vào ngày 31/12 tới, để đạt được một hiệp ước khí hậu mới có tính ràng buộc toàn cầu, sẽ được triển khai vào năm 2020, đồng thời tài trợ cho các dự án giảm thiểu biến đổi khí hậu ở thế giới đang phát triển.
Giới quan sát cho biết các đại biểu vẫn bất đồng về những vấn đề quan trọng, từ đó giúp đạt được thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu. Những nước nghèo yêu cầu các quốc gia phương Tây cần cam kết cắt giảm khí các-bon với nạn hạn hán, lũ lụt, bão và nước biển dâng.
Hội nghị về biến đổi khí hậu tổ chức tại Doha lần này có sự hiện diện của gần 200 quốc gia. Sau hơn một tuần thảo luận căng thẳng, ngày 4/12 bắt đầu diễn ra phiên hội thảo cấp cao với sự tham gia của khoảng 100 bộ trưởng và một số nguyên thủ quốc gia. |