ThienNhien.Net – Nạn cát bay, cát lấp, nước mặn xâm thực đồng ruộng đe dọa cuộc sống, sản xuất của người dân các xã Điền Môn, Điền Hương (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) giờ đây đã là quá khứ khi hàng trăm héc-ta rừng trồng trên cát đã trở thành “bức tường xanh” bảo vệ dân làng…
“Bức tường xanh”
Do địa hình các xã nằm ven biển nên hàng năm, các địa phương Điền Môn, Điền Hương thường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các cơn bão. Vào thời điểm gió mùa, nạn cát bay, cát lấp, xâm chiếm đồng ruộng, nhà dân, khiến người dân nơi đây phải vất vả trăm bề. Đến năm 2001, những mầm cây xanh của keo lưỡi liềm, phi lao đã được người dân trồng trên tuyến đê này nhằm ngăn bão. Có cây giữ đất, cồn cát như vững chãi hơn khi nước mặn không còn tràn vào đồng ruộng.
Dẫn chúng tôi ra đê cát, ông Đặng Hữu Danh – Phó Chủ tịch UBND xã Điền Môn, cho hay: “Hơn 10 năm qua, thông qua các dự án, địa phương đã tích cực trồng rừng trên cát. 3,8km chiều dài tuyến đê với hơn 20ha rừng xanh đã được trồng mới. Trong năm 2012, địa phương đã tập trung trồng 19ha rừng tại các khu vực động cát ven biển thuộc địa bàn thôn 1, thôn 2 Kế Môn, nhằm mục đích chống cát bay, cát lấp, bảo vệ đồng ruộng, mạch nước ngầm. Dự kiến, trong năm tới sẽ trồng rừng phủ xanh gần 100ha đất cát còn lại để hoàn thành mục tiêu xanh hóa toàn bộ vùng cát ven biển”.
Theo ông Danh, đến nay, toàn xã đã trồng 349,4ha rừng trên cát. Trong đó, rừng Dự án 661 là 197,9ha, rừng do Trung tâm Hợp tác Quốc tế và Xúc tiến Lâm nghiệp Nhật Bản (JIFPRO) tài trợ 82,5ha, còn lại là của Tổ chức Phần Lan. Thông qua nhiều chương trình, dự án, hàng trăm héc-ta cát hoang hóa đã được phủ xanh theo nguyên lý vùng sinh thái khép kín “rừng nuôi đất, đất nuôi cây, cây nuôi người, người nuôi rừng”.
Giao khoán từng hộ dân
Ông Đặng Hữu Danh cho biết: “Để có những diện tích rừng ngăn cát, ngăn mặn bảo vệ đồng ruộng như hiện nay, hơn 10 năm qua, UBND xã Điền Môn nói riêng cũng như nhiều địa phương ven biển của tỉnh đã phân công cụ thể cho từng cán bộ của xã phụ trách từng nhóm hộ dân để bảo vệ và chăm sóc rừng trồng hàng năm. Bên cạnh đó, xã tổ chức thành lập các tổ quản lý, bảo vệ rừng, cùng các thôn xây dựng quy chế bảo vệ rừng”.
Ông Nguyễn Dũng (xóm 14, thôn Vĩnh Xương, xã Điền Môn), người có hơn 10 năm tham gia trồng rừng tích cực tại địa phương, cho biết nhờ thành lập các tổ quản lý, bảo vệ rừng hoạt động hiệu quả, ông đã tham gia trồng 23ha rừng ở thôn Vĩnh Xương 2, tạo vành đai bên ngoài, khu vực trong trảng cát ông cho trồng dưa, rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thông qua sự hỗ trợ cây giống của Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, ông đã trồng 12,5 vạn cây keo lai, keo lưỡi liềm, keo chịu hạn rồi bán lại cho bà con có nhu cầu trồng rừng.
Ông Nguyễn Trọng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Thừa Thiên – Huế, đánh giá: “Dự án trồng rừng phòng hộ vùng cát qua hơn 10 năm thực hiện ở 5 huyện bao gồm 28 xã của tỉnh Thừa Thiên – Huế với việc trồng mới gần 5.000ha rừng các loại đã góp phần to lớn trong việc cải thiện môi trường sinh thái vùng cát nội đồng và ven biển của tỉnh. Dự án cũng giải quyết công ăn việc làm cho 2.230 hộ dân và trên 10.000 lao động, tăng thu nhập, nâng cao đời sống làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn trong vùng dự án”.