ThienNhien.Net – UBND tỉnh Bắc Kạn vừa tổ chức cuộc họp nhằm xem xét, đánh giá hiệu quả, tác động của Dự án thuỷ điện Sông Năng đối với kinh tế – xã hội vùng hạ lưu sông Năng và việc bảo vệ di sản quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể.
Dự án thuỷ điện Sông Năng (xã Bành Trạch, huyện Ba Bể) được cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Bắc Kạn từ năm 2009. Đến tháng 11/2011, chủ đầu tư đổi tên thành Công ty TNHH một thành viện thuỷ điện Sông Năng. Cùng lúc đó thì dự án cũng được chuyển nhượng phần lớn cổ phần cho Công ty Cổ phần thuỷ điện Bắc Kạn do ông Đặng Văn Minh làm Chủ tịch HĐQT. Qua quá trình chuyển tên, chuyển nhượng kéo dài hơn 3 năm (2009 – 2011), đến nay Công ty Cổ phần thuỷ điện Bắc Kạn mới thi công tuyến đường dẫn vào điểm xây dựng đập dâng và hoàn thiện hồ sơ giải phóng mặt bằng.
Trong thời gian qua, rất nhiều đập thuỷ điện trên toàn quốc gặp sự cố, nên UBND tỉnh đã tổ chức họp để xem xét đánh giá hiệu quả, tác động của dự án thuỷ điện Sông Năng. Mặc dù đại diện cơ quan tư vấn đã trình bày khái quát về những tác động môi trường, cảnh quan, điều kiện địa chất khu vực, dự báo những tác động có thể xảy ra khi đập thuỷ điện tích nước… nhưng đơn vị tư vấn đã không làm rõ được vấn đề hội nghị nêu ra.
Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã phát hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thuỷ điện Sông Năng do đơn vị tư vấn lập được phê duyệt năm 2009 chưa đề cập đến tác động của dự án tới kinh tế – xã hội, môi trường khu vực hạ lưu, trong đó có chế độ thuỷ văn Sông Năng và hồ Ba Bể. Chính vì những bất cập trên, UBND tỉnh Bắc Kạn đã yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng việc triển khai các hoạt động liên quan đến dự án; lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường, đặc biệt làm rõ tác động của dự án tới hồ Ba Bể và đời sống của người dân phía hạ lưu đập thuỷ điện.
Thực tế cho thấy, vai trò của sông Năng là rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế – xã hội của người dân huyện Ba Bể nói chung và các xã nằm dọc theo sông nói riêng. Hàng năm sông Năng cung cấp hàng chục nghìn mét khối cát xây dựng cho tỉnh; là nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp các xã dọc hai bờ sông như: Bành Trạch, Thượng Giáo, thị trấn Chợ Rã, Cao Trĩ, Khang Ninh, Cao Thượng, Nam Mẫu; là tuyến chạy thuyền du lịch duy nhất từ Khu du lịch sinh thái Buốc Lốm qua Động Puông để vào hồ Ba Bể; sông Năng cũng giúp điều tiết nước cho hồ Ba Bể; là tuyến vận chuyển hàng hoá của người dân trong khu vực vùng hồ… Những lợi ích trên tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ dân trong khu vực sinh sống ổn định.
Giả thiết Dự án tiếp tục được xây dựng với cao trình thân đập 27 mét, khi tích nước để phát điện sẽ có tác động không nhỏ tới hạ lưu. Đồng chí Ma Văn Xương- Phó Bí thư Đảng uỷ xã Bành Trạch e ngại: Mùa khô nguồn nước Sông Năng khá ít, bà con vẫn thường xuyên bơm nước sông để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nay nếu đập thuỷ điện tích nước, phía hạ lưu sẽ khô cạn, người dân sẽ không chủ động được nguồn nước tưới tiêu, ảnh hưởng tới nguồn lợi thủy sản và việc kinh doanh thuyền du lịch trên Sông Năng.
Những lo ngại trên là hoàn toàn có cơ sở. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần đánh giá kỹ hiệu quả và bất cập của Dự án thuỷ điện Sông Năng.