Tây Nguyên: Thủy điện lớn, nhỏ đều đáng lo ngại

ThienNhien.Net – Từ nhiều năm nay, hàng trăm công trình thủy điện lớn, nhỏ ở khắp Tây Nguyên đã gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của hàng nghìn hộ dân. Các sự cố vỡ đập thủy điện gần đây càng làm cho người dân Tây Nguyên thêm lo lắng, bất an với hệ thống thủy điện dày đặc ở khu vực này.

Thủy điện Sêrêpốk 4A đang đào kênh bẻ dòng chảy, đe dọa kiệt nước trên 20km sông Sêrêpốk qua Vườn Quốc gia Yók Đôn (Đắk Lắk)

Thủy điện lớn, hệ lụy lớn

Theo quy hoạch được phê duyệt, Tây Nguyên có 287 dự án thủy điện (DATĐ) với tổng công suất trên 6.991MW. Đến nay đã có 84 dự án đưa vào vận hành với tổng công suất trên 4.768MW, trong đó có 66 dự án thủy điện nhỏ, tổng công suất hơn 201MW đang trình xin phép đầu tư.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, có hơn 65.239ha đất các loại ở Tây Nguyên đã bị thủy điện chiếm dụng, gần 25.300 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có hơn 5.600 hộ buộc phải di dời, tái định cư. Còn theo tính toán của ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên, bình quân mỗi MW điện làm ảnh hưởng 4,08 hộ dân, trong đó phải di dời 0,94 hộ và chiếm dụng khoảng 10,53ha đất các loại. Chưa kể, quá trình tái định cư, định canh cho người dân trong vùng dự án phải sử dụng hơn 10.371ha đất, chủ yếu khai hoang từ rừng tự nhiên vốn còn lại không nhiều.

Cũng theo quy định, chủ đầu tư DATĐ phải trình Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nhưng tại nhiều DATĐ, việc bố trí đổ chất thải chưa hợp lý, thu dọn lòng hồ không triệt để, chưa khơi thông hệ thống thoát nước khiến bùn cát lắng đọng vào dung tích chết của hồ chứa nhiều hơn. Từ đó, dòng chảy về hạ lưu mất đi lượng phù sa đáng kể, từng bước làm “sa mạc hóa” vùng hạ du. Điển hình là sau khi thủy điện Buôn Tua Srah (Đắk Lắk – Đắc Nông) đi vào vận hành thì diện tích, năng suất, sản lượng cây trồng các loại ở vùng hạ du suy giảm nhanh, thu nhập của người dân bị giảm đáng kể. Ngoài ra, theo quy định, các chủ đầu tư DATĐ phải trồng lại diện tích rừng bị mất, nhưng thực tế tại Đắk Lắk, diện tích rừng phải trồng lại là 850ha, song đến nay các chủ DATĐ mới trồng được… 63ha.

Thủy điện nhỏ không trả được nợ vay lớn?

Hiện 8/9 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ ở Đắk Lắk đang kêu ca thua lỗ do doanh thu bán điện thấp hơn lãi suất, bù lỗ chi phí vận hành, nợ gốc không trả được. UBND tỉnh Đắk Lắk phải ký văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét có giải pháp cứu các doanh nghiệp (DN) thủy điện nhỏ khỏi nguy cơ phá sản. Chỉ có duy nhất Nhà máy Thủy điện Krông Hin của Công ty xây dựng Mê Kông là chưa kêu lỗ nhờ tỷ lệ vốn vay trên tổng mức đầu tư thấp (48/102 tỷ đồng), các chi phí được tiết kiệm tối đa. Mặc dù vậy, sau 6 năm vận hành, thủy điện này vẫn chưa trả hết nợ. Điều lạ lùng là mặc dù kêu lỗ, nhưng nhiều DN vẫn lao vào làm, được “tiếp tay” bằng quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ dày đặc trên các sông, suối.

Về an toàn hồ đập, kết quả kiểm tra mới đây của đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Công Thương Đắk Lắk chủ trì cho thấy, các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ chưa thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến an toàn hồ đập. Trong 6 DN được kiểm tra chỉ có 2 DN thực hiện tương đối đầy đủ, 3 DN có thực hiện nhưng chưa đầy đủ, 1 DN chưa thực hiện. Đoàn kiểm tra cho rằng toàn bộ hồ đập, các hạng mục phụ trợ của các công trình này chưa có biểu hiện mất an toàn, nhưng với hàng loạt thiếu sót như trên, nguy cơ mất an toàn đối với sản xuất, dân sinh ở vùng hạ du vẫn còn tiềm ẩn.

Thực hiện yêu cầu của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương vừa phối hợp với UBND các tỉnh Tây Nguyên rà soát quy hoạch các DATĐ trên toàn vùng. Kết quả đã thống nhất loại khỏi quy hoạch 33 dự án, không xem xét quy hoạch 108 vị trí có tiềm năng thủy điện nhưng hiệu quả thấp. Ông Trần Việt Hùng – Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây nguyên – cũng cho biết: “Sẽ kiên quyết loại bỏ các DATĐ kém hiệu quả, mất rừng nhiều, tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội… Chúng tôi cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có quy định về diện tích đất, rừng tối đa cho 1MW điện, về dòng chảy tối thiểu trong mùa kiệt để đảm bảo sản xuất, dân sinh ở dạ du”.