ThienNhien.Net – Trong nhiều năm qua, tình trạng khai thác vàng trái phép diễn biến hết sức phức tạp khiến các cơ quan chức năng đau đầu và người dân bức xúc. Đặc biệt, khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng (xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) đang bị tàn phá nghiêm trọng.
Khu BTTN Thần Sa-Phượng Hoàng vốn là khu rừng nguyên sinh đặc dụng được nhà nước công nhận là di tích khảo cổ quốc gia. Tuy nhiên, nhiều năm nay khu di tích khảo cổ quốc gia này đang bị băm nát không thương tiếc bởi các “tập đoàn vàng tặc”.
Vàng tặc “cày” nát khu bảo tồn thiên nhiên
Từ trụ sở UBND xã Thần Sa vào đến khu vực Bản Ná, Thác Kiệm (xóm Xuyên Sơn) – điểm nóng nhất về khai thác vàng trái phép chỉ mất khoảng hơn chục cây số. Đường ở đây quanh co, uốn lượn dọc các sườn đồi nhưng mặt đường khá rộng, phẳng, ô tô các loại có thể đi lại dễ dàng. Vừa tới đầu cánh đồng Thác Kiệm, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hàng trăm lán trại khai thác vàng trải dài dọc sườn núi. Ngay giữa cánh đồng, có vài quán tạp hóa chuyên buôn bán lương thực, thực phẩm, nước uống cho đội quân phu vàng.
Để lên được được bãi vàng, chúng tôi phải nài nỉ và nộp lệ phí, tự nguyện gánh hàng thực phẩm cho bà T (một người chuyên cung cấp lương thực cho các bưởng vàng) lên bãi vàng. Khi đi, bà T liên tục căn dặn: “Lên đó tuyệt đối không chụp chiếu gì, nếu bị phát hiện không có đường về đâu.”. Mặc dù gánh hàng thực phẩm theo bà T lên cho các phu vàng, nhưng vì là kẻ lạ mặt nên suốt dọc đường vào bãi vàng tặc, chúng tôi luôn bị theo dõi bởi đội “cảnh vệ” của các chủ bưởng vàng bố trí dọc đường.
Đến nơi, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì công trường vàng tặc này quá hoành tráng với hàng trăm lán trại kiên cố. Dọc sườn núi hệ thống hầm lò, kè đá bao bọc quanh các hang vàng, đường điện, đường nước, chứng tỏ việc khai thác vàng ở đây diễn ra trong một thời gian dài. Tiếng máy nổ, máy nghiền, máy khoan khoét sâu vào lòng núi, vòi nước tuôn ào ào, đá văng rầm rập cộng với tiếng la hét quát mắng khiến bãi vàng náo động. Thậm chí, tại đây còn có cả các chuồng trại nhốt gia cầm và vườn rau xanh cung cấp thực phẩm tại chỗ cho đội quân đào vàng.
Lân la trò truyện với một phu vàng tên Hùng (trú tại xóm Xuyên Sơn), anh này cho biết, cả khu vực này có 8 chủ bưởng và hầu hết là người địa phương. Họ đứng lên liên kết với nhiều người có tiền ở địa phương khác để đầu tư máy móc, thuê người khai thác. Hỏi rằng: Thế đã bị chính quyền bắt lần nào chưa? thì người này thổ lộ: “Thỉnh thoảng chính quyền, công an có truy quét, nhưng vừa vào tới đầu làng chủ bưởng vàng đã biết và báo chúng tôi ngừng hoạt động, vác máy móc vào hang sâu cất giấu nên chẳng làm gì được… Quan trọng là đã ” lót tay” rồi, không làm sao mà tồn tại được”.
Quan sát khu vực xung quanh, chúng tôi thấy để đào các hầm vàng sâu trong lòng núi ngoài việc dùng cuốc, xẻng, khoan đá, các thợ vàng còn sử dụng cả mìn phá đá. “Trước đây đã có nhiều vụ sập hầm gây chết người, biết là nguy hiểm nhưng người dân ở đây nghèo đói nên vẫn phải chấp nhận. Đào vàng thuê mới có tiền mua gạo, đóng học cho con”. – Anh Trung, một phu vàng khác chia sẻ.
Hệ lụy
Theo phản ánh của người dân, tình trạng khai thác vàng trái phép trong khu bao tồn thiên nhiên Thần Sa- Phượng Hoàng đã diễn ra nhiều năm nay, nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Khu bảo tồn thiên nhiên bị xâm hại nặng nề, rừng đặc dụng nguyên sinh bị tàn phá. Các dãy núi bị đục khoét nham nhở với hàng trăm hầm, lò sâu thẳm. Chất thải, hóa chất từ khai thác vàng khiến nước sông, suối đặc quánh. Nguồn nước sinh hoạt, nước phục vụ cho sản xuất chăn nuôi bị ô nhiễm trầm trọng. ” Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số vốn đã nghèo nay trồng lúa, rau màu không có nước tưới nên ruộng, nương bỏ hoang. Không có việc làm người dân lại kéo nhau đi đào vàng và phá rừng để kiếm sống chứ biết làm gì..”- Một người dân địa phương than thở.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Thần Sa thừa nhận, nạn khai thác vàng tràn lan khiến tình an ninh trật tự trên địa bàn rất phức tạp, kéo theo nhiều tệ nạn xã hội đặc biệt tệ nạn ma túy. Theo bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Võ Nhai, tình trạng khai thác vàng trái phép đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu bảo tồn thiên nhiên và cuộc sống người dân.
Đột nhập các điểm nóng khai thác vàng trái phép tại Thần Sa, chúng tôi không khỏi băn khoăn: Tại sao hoạt động khai thác vàng trái phép qui mô lớn diễn ra công khai nhiều năm như vậy nhưng lại không thấy sự truy cản nào của lực lượng chức năng?