ThienNhien.Net – Nhiều quốc gia tham gia vào tuần thứ hai của Hội nghị các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP18) ở Doha trong ngày 3/12 đã chia rẽ sâu sắc về những vấn đề chủ chốt.
Sau 6 ngày thương thảo căng thẳng, các nhà quan sát cho rằng các nước còn lâu mới đạt được thỏa thuận về việc gia hạn Nghị định thư Kyoto về hạn chế khí thải làm Trái Đất ấm lên, chủ yếu là khí CO2 hình thành từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Với nhiều chứng cứ cho thấy tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm tan băng ở hai cực và khiến mực nước biển dâng lên nhanh chóng, nhiều nước nghèo cho rằng phương Tây cần phải thực hiện các biện pháp cắt giảm khí thải mạnh hơn nữa, khẩn cấp hơn nữa dưới khuôn khổ Nghị định thư Kyoto và đổ thêm tiền giúp các nước thuộc thế giới thứ ba đối phó với hoàn cảnh.
“Khía cạnh khoa học của vấn đề rất rõ ràng: trì hoãn thêm sẽ khiến ta mất cơ hội đảo ngược một thảm họa toàn cầu” – Liên minh Các quốc đảo (AOSIS), một nhóm đại diện 43 nước có khả năng đối diện với nhiều nguy cơ hình thành từ tình trạng nước biển dâng, tuyên bố.
Một nghiên cứu mới cảnh báo rằng trái đất có thể đang ấm lên thêm 5 độ C nữa, hơn gấp đôi mức giới hạn 2 độ C ấm lên mà các nhà khoa học đã đặt ra, trong hy vọng rằng tình hình khí hậu trái đất vẫn còn nằm trong sự kiểm soát.
Các nghiên cứu trong tuần trước cũng cho thấy rằng băng ở 2 cực tan chảy đã làm tăng mực nước biển thêm 11mm trong 2 thập kỷ qua. Ngoài ra, băng ở Bắc Cực đang tan với tốc độ chưa có tiền lệ trong năm 2012.
Tuy nhiên, các nhà quan sát nói rằng các cuộc đàm phán ở Doha đang rơi vào bế tắc, một phần do sự bất đồng trong Liên minh châu Âu (EU) về việc liệu các nước thành viên của khối có được phép giữ lại định mức về lượng khí thải xả ra bầu khí quyển mà họ vẫn chưa sử dụng tới, hay hủy bỏ hoàn toàn định mức này.
Định mức khí thải chưa được sử dụng tới, ước tính lên tới 13 tỷ tấn cho các nước trong nhóm EU, được phân bổ trong giai đoạn đầu của Nghị định thư Kyoto và nó sẽ hết hạn trong ngày 31/12 tới đây.
Thành viên EU là Ba Lan và một số nước khác nói rằng định mức này phải tiếp tục được chuyển vào giai đoạn 2 của Nghị định thư Kyoto, điều không được các nước đang phát triển và các nước chịu rủi ro do biến đổi khí hậu chấp nhận.