ThienNhien.Net – Kiểm soát chất lượng các dự án thủy điện và vấn đề an toàn của các công trình này là nội dung cuộc trao đổi của phóng viên Nông thôn Ngày nay với GS.TSKH Phạm Hồng Giang – nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Phát triển thủy điện nóng vội
PV: Hàng loạt sự cố rò rỉ, vỡ đập trong thời gian qua đã khiến cho vấn đề an toàn của thủy điện trở nên nóng bỏng. Nhìn nhận của GS về vấn đề thủy điện của nước ta thời điểm này như thế nào?
GS.TSKH Phạm Hồng Giang: Sự cố thấm nước và động đất kích thích liên tục tại Thủy điện sông Tranh, vỡ đập Thủy điện Đăk Rông 3 đã khiến cho người dân cả nước không khỏi lo lắng, các đại biểu Quốc hội đã tranh luận chất vấn sôi nổi tại nghị trường. Và chỉ vài ngày sau khi kỳ họp Quốc hội kết thúc, khi mà những cam kết từ các bộ, ngành vẫn còn nóng hổi thì một sự cố về thủy điện nữa lại xảy ra, đập Thủy điện Đăk Mek 3 bị vỡ. Và như vậy nỗi lo về tính an toàn của các công trình thủy điện lại một lần nữa dâng tràn.
Nguyên nhân khiến lòng dân bất an là bởi chúng ta đã phát triển thủy điện quá nóng vội và làm không tốt từ khâu quy hoạch, khâu quản lý xây dựng đến quản lý vận hành, kèm theo đó nữa là những quy định cần thiết để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của thủy điện là không có. Về quy hoạch, chúng ta duyệt quy hoạch rất nhanh, ào ào; khâu quản lý thiết kế thi công qua loa, vận hành thì tùy ý thích của chủ đầu tư, chẳng ai can thiệp. Và lúc này chúng ta đã thấy rõ hậu quả.
PV: GS có thể phân tích rõ hơn sự nóng vội mà ông nói?
GS.TSKH Phạm Hồng Giang: Đúng là chúng ta đã làm hết sức nóng vội. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, cả nước có 1.114 công trình và dự án thủy điện, trong đó có 217 dự án đang thi công, 309 đang được nghiên cứu lập hồ sơ đầu tư. Đáng lẽ chúng ta nên làm cẩn trọng hơn, những quy định chính sách đầy đủ và chặt chẽ hơn. Quy hoạch thủy điện thì làm riêng rẽ, áp đặt, không xét đến việc khai thác tổng hợp nguồn nước.
Bên cạnh đó chúng ta đang coi nhẹ, tác động của việc thay đổi dòng chảy đến môi trường và dân sinh ở hạ du. Còn trong quản lý, quy hoạch thì rất thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm, quản lý kỹ thuật cũng buông lỏng, quản lý vận hành hoàn toàn buông lỏng.
PV: Hiện nay tính an toàn của đập thủy điện đang được giao toàn bộ trách nhiệm cho chủ đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng đây là bất cập khiến việc kiểm soát chất lượng các công trình thủy điện có nhiều lỗ hổng lớn. GS có đồng tình với quan điểm này?
GS.TSKH Phạm Hồng Giang: Tôi cho rằng việc giao cho chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn bộ chính là một lỗ hổng về quản lý. Chủ đầu tư khó có thể đủ tầm để lượng định được những hệ lụy liên quan đến tương lai một cách toàn diện, họ bị áp lực về tiến độ, về lợi nhuận chi phối, do đó họ sẽ làm sao để hoàn thành nhanh nhất và rẻ nhất. Theo kết quả thanh tra mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại các hồ đập thủy điện vừa và nhỏ, ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì 100% các chủ dự án thủy điện chưa thực hiện đăng ký hoạt động công trình khí tượng thủy văn chuyên dụng, chưa có quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng và phát triển tài nguyên nước.
Hầu hết các đập thủy điện không có công trình bảo đảm dòng chảy tối thiểu, một số công trình không thiết kế cửa xả đáy, cho nên khi xảy ra sự cố không thể xả nước theo yêu cầu. Hơn nữa, phần lớn hồ chứa của các thủy điện nhỏ chỉ tích nước theo giờ hoặc theo ngày và thường tận dụng tối đa dung tích hồ chứa để phát điện. Vì vậy, không kịp trở tay khi nước nguồn về bất ngờ, trong khi thực tế việc đánh giá khả năng an toàn của đập trong một thời gian nhất định chưa được kiểm chứng.
Địa phương ít có năng lực kiểm soát thủy điện
PV: Theo GS việc kiểm soát chất lượng công trình thủy điện vừa và nhỏ được phân cấp cho địa phương, điều này đã thực sự hợp lý chưa? Nếu chưa hợp lý thì phải làm như thế nào?
GS.TSKH Phạm Hồng Giang: Như tôi biết các thủy điện vừa và nhỏ phân cấp cho các địa phương duyệt và quản lý, tuy nhiên địa phương có rất ít người am hiểu về chuyên ngành này. Như sở nông nghiệp chẳng hạn có rất ít kỹ sư thủy lợi để có thể làm được, sở công thương lại càng không, vậy những cái đó ai duyệt, ai tham mưu cho các vị lãnh đạo chính quyền địa phương? Và cứ thế là họ ký đại cho xong rồi người ta muốn làm thế nào thì làm. Quy trình ký duyệt và kiểm soát rất lỏng lẻo.
Tôi nghĩ để đảm bảo độ an toàn cho người dân địa phương, các tỉnh cần phải chủ động, tăng cường kiểm tra. Tôi đánh giá cao cách làm của UBND tỉnh Quảng Nam trong sự cố Thủy điện Sông Tranh 2 vừa qua và các tỉnh có hồ đập nên học hỏi.
Tôi cho rằng, Chính phủ cần ban hành các văn bản pháp lý quy định cụ thể hơn để đảm bảo kiểm soát được chất lượng các công trình thủy điện, kiểm soát từ duyệt đồ án, giám sát việc thi công, giám sát vận hành để phát triển thủy điện bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước.
PV: Việc giám sát chất lượng các công trình thủy điện, theo GS, cần phải xem xét trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan đến vấn đề này như thế nào?
GS.TSKH Phạm Hồng Giang: Câu chuyện này liên quan đến nhiều bộ, ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường… trách nhiệm của các bộ quả thực là không rõ ràng, chồng chéo, thiếu sự kiểm tra khách quan. Đã đến lúc các bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng kiểm tra, rà soát chất lượng các công trình thủy điện vừa và nhỏ từ khâu thiết kế, giám sát đến thi công xây lắp, quy định trách nhiệm cụ thể của chủ đầu tư với công trình của mình.
Xin cảm ơn Giáo sư!