ThienNhien.Net – Gần đây, hàng trăm người dân ở huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đổ xô lên rừng đào rễ cây mua. Bình quân một ngày một người đào được gần 1 tạ rễ tươi. Ước tính mỗi ngày có hàng chục tấn được đào bán cho thương lái, sau đó xuất sang Trung Quốc.
Đào tận gốc, trốc tận rễ
Từ trên quốc lộ 6, chúng tôi xuống đèo Pha Đin về huyện Tuần Giáo, Điện Biên. Dọc hai bên đường, rễ cây được rải phơi dày đặc. Dừng xe bắt chuyện đây là loại cây gì, người dân (dân tộc Thái) cho biết, theo tiếng Thái là cây Cò Té, còn tiếng Kinh thì không biết. Chỉ còn lại rễ, không còn lá, cành, chúng tôi không biết là cây gì, cho đến khi nhờ chỉ tận nơi mới biết là cây mua.
Anh Lường Văn Hạnh ở bản Lói, xã Quài Tở, một chủ thu mua đang phơi bên đường cho biết: “Hơn 2 năm trở lại đây, thương lái từ dưới xuôi kéo về đây đặt mua rễ cây mua. Nghe vậy, cũng không tin bởi ở đây chúng tôi chỉ biết cây mua quả ăn được, lá dùng nấu nước cho trẻ con mới sinh chữa bệnh ngứa, ghẻ và đọt cây chữa đau bụng, còn rễ không biết tác dụng làm gì. Chỉ biết họ đặt tiền bảo chúng tôi thu mua rễ. Trước đây 1 kg có giá 1.000 đồng nhưng năm nay tăng lên 2.000 đồng. Như cơ sở tôi bình quân mỗi ngày thu 2 tấn rễ mua tươi. Sau khi phơi khô, đóng bao nhập được 4.000 đồng/kg. Tính ra mỗi kg tôi lời được 1.000 đồng”.
Cũng theo anh Hạnh, ban đầu việc đào cây mua chỉ là những người thường xuyên đi rừng tiện đào về, nhưng hiện tại thì rất nhiều gia đình tham gia vào việc này. Giá cao, dễ bán nên nhiều người, nhiều nhà rủ nhau đi đào. Trung bình 1 ngày, 1 người có thể đào được gần 1 tạ. Với giá 2.000 đồng/kg, thì đây quả là số tiền không nhỏ đối với người dân nơi đây, do đó đã thúc đẩy người dân đổ xô đi đào.
Để chứng kiến đào rễ mua, hôm sau tôi theo anh Lò Văn Hùng và chị vợ Lò Thị Thương ở bản Huổi Nọ, xã Quài Tở lên rừng. Sáng sớm, từ bản Huổi Nọ, tôi chạy xe máy bám theo anh Hùng cùng vợ, đi được khoảng 3 km, anh Hùng bảo dừng xe lại và để xe ở đấy. Anh Hùng bảo: “Giờ đi bộ nhé, ở đây không có để mà đào nữa”. Anh nói tiếp: “Trước đây, cây mua nhiều lắm nhưng chúng tôi đào hết rồi. Cây to, cây nhỏ đều đào lấy hết. Khu đồi này giáp ranh giữa xã Tủa Tình và Quài Tở nên còn, chứ các ngọn đồi của xã chúng tôi đào hết từ lâu rồi”. Nghe anh nói vậy, tôi đùa: Các bác không trừ lại ít cây cho mọc với. Anh Hùng liền nói: “Cây nhỏ, cây to đều bán được, thấy cây nào đào cây nấy”.
Sau gần 1 tiếng đồng hồ đi bộ, chúng tôi đến khu rừng có nhiều cây mua còn sót lại. Anh Hùng và vợ chuẩn bị đồ nghề bắt đầu một ngày làm việc. Anh Hùng có nhiệm vụ đào lên, còn vợ theo sau vứt bỏ hết cành lá, chỉ lấy rễ rồi cho vào bao. Trong một thời gian ngắn có đến hàng chục cây mua được anh Hùng đào lên và lấy sạch cả gốc lẫn rễ. Gặp gốc to thì cho khoảng 3 kg rễ, bụi nhỏ rễ như ngón tay cũng nhặt bằng sạch.
Tôi hỏi: Đào thế này có ai ngăn cấm không? Anh Hùng nói: “Vợ chồng tôi đào rễ mua hơn hai năm nay chẳng ai cấm cả. Ở đây, nếu có cấm là những khu rừng có chủ họ cấm thôi. Giá càng đắt thì người đào nhiều. Ngày trước mỗi ngày hai vợ chồng tôi đào được 2 đến 3 tạ là bình thường, giờ may lắm được 1 tạ. Rễ mua giờ khan hiếm lắm”.
Gặp ông Lò Văn Hoan, trưởng bản Huổi Nọ, ông cho biết: “Chính quyền xã, huyện cũng không nhắc nhở người dân vào rừng đào rễ mua. Nói thật với các anh loài cây này đã cho người dân nơi đây nguồn thu nhập đáng kể, nếu có ngăn cũng khó. Trong thôn hiện có 45 hộ dân, trừ những ngày mưa còn lại ngày nắng tất cả lại kéo nhau vào rừng đào hết”.
Rời xã Quài Tở, chúng tôi về xã Tênh Phông, Quài Nưa, Mùn Chung… huyện Tuần Giáo, tình trạng người dân đào rễ mua sôi động chẳng kém. Tại nhiều cánh rừng, hàng ngày người dân kéo nhau đi đào. Mỗi ngày hàng chục tấn rễ được nhập các điểm thu mua. Mua bị đào tràn lan, khu đồi nào cũng ngày càng trọc lốc.
Có bao nhiêu cũng mua hết
Có mặt tại một điểm thu mua rễ mua huyện Tuần Giáo có tên hợp tác xã vận tải Tây Bắc, đóng tại xã Quài Tở, chúng tôi chứng kiến một lượng lớn rễ mua được đóng thành từng bao chất lên ô tô chở đi. Một người ở cơ sở cho hay: Biết tin Trung Quốc có thu mua rễ mua nên tranh thủ lúc nông nhàn bà con trong bản tranh thủ lên rừng đào về bán. Ở đây, cây mua mọc rất nhiều trên những vạt rừng nên rất dễ đào và vận chuyển bán. Chúng tôi chỉ mua lại của bà con, sau đó đưa lên Lạng Sơn xuất qua Trung Quốc.
Người này còn khoe: “Với cơ sở chúng tôi, người dân có bao nhiêu cũng mua hết. Ở đây, không phải cơ sở chúng tôi mà còn nhiều cơ sở khác nữa”. Khi được hỏi có biết Trung Quốc mua làm gì không, anh trả lời:“Cái này chịu, chúng tôi chỉ vận chuyển đến cửa khẩu ở Lạng Sơn và giao hàng cho họ. Hết lượt hàng này đến lượt khác, chứ không biết họ mua về sử dụng vào việc gì. Họ bảo với chúng tôi, có bao nhiêu cũng mua hết, có hàng là a lô đưa lên”.
Trao đổi với phóng viên, ông Đào Văn Phúc, Phó chủ tịch xã Quài Tở, cho biết: Riêng địa bàn xã có 3 điểm thu mua rễ mua. Tình trạng thu mua diễn ra hơn 2 năm nay. Dù chưa ai biết giá trị thực sự của rễ loại cây này, nhưng với việc thương lái vào tận nhà, hỏi mua giá cao đã khiến hàng trăm hộ gia đình không quản nguy hiểm vào tận rừng sâu để đào.
Tôi hỏi: Thế xã có biện pháp nào ngăn chặn không? Ông Phúc cho hay: “Xã chẳng có biện pháp nào cả. Cây mua thường mọc ở đồi núi trọc nên không có chế tài nào xử lý. Hiện mạnh ai người ấy làm, bà con đào rễ mua có thêm được thu nhập, dẫn đến đào càng nhiều”.
Trao đổi với ông Bạc Cầm Phong, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tuần Giáo về việc người dân đào rễ mua, ông Phong cho hay: “Cây mua mọc ở đất trống đồi núi trọc, thuộc cây bụi. Trong danh mục cây quý không thấy cấm. Nếu mà cấm thì chúng tôi có biện pháp ngay. Quả thực, chúng tôi cũng không biết cây này bán đi đâu, họ mua để làm gì”.
Trước tình trạng khai thác rễ mua một cách ồ ạt như vậy, cây mua đang bị chính người dân nơi đây tận diệt, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên cần có những biện pháp quyết liệt.
Cây mua phân bố nhiều ở các vùng đất nghèo dinh dưỡng, trung du, đồi núi thấp, khả năng chịu hạn tốt, có tác dụng giữ đất. Theo y học cổ truyền, lá và rễ cây mua có tác dụng lợi tiểu, cầm máu, tiêu viêm, hạ nhiệt, giảm đau. Người ta đào rễ mua vào mùa thu, rồi rửa sạch, thái mỏng, phơi hoặc sấy khô để dùng dần; còn lá được thu hái quanh năm, khô hay tươi đều tốt.
Một số bài thuốc dân gian từ cây mua như chữa viêm gan cấp và mạn tính; chữa đinh râu, mụn nhọt, vết thương bầm tím… Thực tế cho thấy, thương lái chỉ thu mua phần rễ nhập sang Trung Quốc, còn nguồn dược liệu từ lá, cành, thân thì bỏ phí… gây nguy cơ thất thoát nguồn dược liệu. |