ThienNhien.Net – Ông Nguyễn Đăng Sản, Phó Trưởng ban Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Ninh khẳng định với chúng tôi là không hề có ô nhiễm ở các KCN, nhưng sau khi đi thực địa quanh các KCN của tỉnh, sự thật không thể phủ nhận là vẫn tiềm ẩn những nỗi lo ô nhiễm mà nếu không giải quyết kịp thời thì sẽ khó tránh khỏi những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai.
Đứng từ trên đường Quốc lộ 18 nhìn xuống, khoảng đất rộng cả héc-ta trước cửa nhà máy của Công ty rượu cồn Hà Nội (Halico) tại KCN Yên Phong I thu hút mọi ánh nhìn bởi được phủ một lớp bạt cao su dày và rộng.
Phủ bạt chống ô nhiễm
Theo cán bộ của Chi cục Môi trường Bắc Ninh, lớp bạt này mới được phủ lên gần đây sau khi Halico bị đình chỉ sản xuất vì đã xả thẳng nước chưa xử lý triệt để vào cống thoát nước chung của KCN trong thời gian chạy thử. Thêm nữa, việc nhà máy thải khí bốc mùi khó chịu cũng khiến người dân sống gần KCN và các công ty lân cận đâm đơn khởi kiện.
Phần lớn trong ngân sách 4000 tỷ đồng thuộc Kế hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 của tỉnh Bắc Ninh tập trung cho xử lý ô nhiễm rác thải sinh hoạt và ô nhiễm tại các cụm công nghiệp làng nghề.
Việc đầu tư xử lý ô nhiễm tại KCN tập trung chủ yếu được giao cho các chủ đầu tư.
Cùng chịu cảnh ô nhiễm khí thải là cư dân ở thôn Bất Lự (xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du). Theo phản ánh của người dân, từ năm 2011 đến nay, Công ty Kingmo New Materials (KCN Tiên Sơn) đã không ít lần xả khí thải ra môi trường, gây ô nhiễm khu vực.
Theo kết quả phân tích của Sở Tài nguyên & Môi trường Bắc Ninh, chỉ số axít clohydric dư trong khí thải của Công ty Kingmo New Materials cao hơn 2-3 lần tiêu chuẩn cho phép.
Anh Bế Tuấn Anh, người bán nước giải khát đối diện công ty Kingmo New Materials cho biết: “Mỗi lần họ đốt là có mùi khó chịu lắm, ngửi thấy lần nào em cũng váng đầu”.
Ông Lê Ngọc Quân, người dân thôn Bất Lự cũng bức xúc chia sẻ: “Chú đến sớm tí nữa thì đã được ngửi mùi khí thải rồi. Không biết họ đốt cái gì mà mùi khét lẹt như rang ngô cháy. Người lớn ngửi còn choáng váng nói gì đến trẻ con. Gần 2 năm rồi chứ ít gì, mong các cấp chính quyền nhanh chóng giải quyết tình hình cho dân đỡ khổ”.
Trao đổi với chúng tôi về sự việc này, lãnh đạo Chi cục môi trường thừa nhận vẫn còn xảy ra tình trạng ô nhiễm cục bộ tại một số doanh nghiệp ở KCN tập trung, thậm chí vẫn có doanh nghiệp xả nước thải ra môi trường. Đơn cử như trong tháng 7 vừa qua, Công ty TNHH Long Tech Precision Việt Nam (KCN Quế Võ) đã bị bắt quả tang xả nước thải độc hại chưa qua xử lý ra môi trường.
Qua kiểm tra cho thấy, Công ty đã chia đường ống ngầm dẫn nước thải từ các xưởng sản xuất đến bể xử lý làm hai nhánh. Nhìn bề ngoài, một nhánh vẫn chảy vào các khu xử lý, nhưng một nhánh khác được chôn ngầm dưới lòng đất lại dẫn nước thải vào đường ống thoát nước mưa trước khi đổ ra môi trường.
Dù ít hay nhiều thì các KCN của Bắc Ninh cũng là một trong những nguồn thải góp phần gây ô nhiễm cho sông Cầu như nhận định của Ủy ban lưu vực sông này.
Muốn kiểm tra, phải gửi trước văn bản
Ông Hà Minh Họa chia sẻ: “Hiện nay các ngành chức năng mới tập trung xử lý hành vi xả nước thải và chất thải rắn của các doanh nghiệp tại KCN vì dễ phát hiện, đo đạc chỉ số không quá khó. Trong khi đó, còn cả ô nhiễm khí thải, còn ô nhiễm tiếng ồn nhưng chưa xử lý được vì lý do thiếu phương tiện, thiếu cán bộ chuyên môn.”
Cũng theo ông Họa, một nguyên nhân nữa khiến việc quản lý môi trường trong các KCN tập trung chưa đạt hiệu quả là bất cập trong việc phân công quản lý lĩnh vực này ở cấp tỉnh. Trước tháng 06/2012, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh không được giao trách nhiệm quản lý môi trường trong khu vực các KCN tập trung mà chỉ lo khâu giải phóng mặt bằng khi triển khai KCN.
Tất cả các doanh nghiệp vào đầu tư đều do Ban quản lý các KCN thẩm định, kể cả việc đánh giá tác động môi trường của dự án. Điều này dẫn đến nghịch lý cơ quan chức năng phụ trách về môi trường nhưng lại không quản lý môi trường trong các KCN tập trung.
“Chúng tôi không được xem hồ sơ đầu tư và cũng không biết doanh nghiệp đó sản xuất cái gì, cũng không thể vào kiểm tra nên rất khó để phát hiện vi phạm của các doanh nghiệp. Mỗi lần muốn kiểm tra tình hình ô nhiễm môi trường thì chúng tôi phải gửi văn bản xuống trước vài ngày theo đúng quy định, mà với thời gian đó, doanh nghiệp thừa khả năng che giấu hành vi vi phạm,” ông Họa thẳng thắn bày tỏ.
Mặc dù địa phương đã tăng cường công tác quản lý và xử lý vi phạm các KCN, song ông Họa thừa nhận hiện vẫn còn nhiều nhà đầu tư chỉ xử lý ô nhiễm môi trường theo kiểu đối phó. Đơn cử như việc Halico che bạt cao su ngăn mùi ở hồ điều hòa. Ông Họa cho rằng, đó không phải là cách giải quyết triệt để.
“Chúng tôi sẽ làm việc cụ thể với Halico chứ không thể bằng lòng với những biện pháp tạm thời doanh nghiệp đưa ra. Cần có biện pháp xử lý ổn thỏa, tránh ảnh hưởng đến người dân, vì cao su dễ bị ô xy hóa, khi lớp bạt che bục ra thì chắc chắn những người dân sống gần KCN sẽ chịu hậu quả đầu tiên”, ông Họa khẳng định.