ThienNhien.Net – Hóa chất từ lâu đã được coi là “sát thủ giấu mặt” khi cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, đồng thời khiến hàng triệu người trên thế giới nhiễm các bệnh nguy hiểm mỗi năm.
Đó là lý do mà Chương trình phát triển LHQ (UNDP) phối hợp với 7 cơ quan chức năng khác của LHQ và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội nghị quốc tế chuyên đề phòng chống độc hại của hoá chất tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) ngày 29/11. Đại diện của các tổ chức quốc tế cũng như nhiều quốc gia trên thế giới hy vọng hội nghị sẽ giúp thúc đẩy các biện pháp chống mối nguy hiểm của các loại hóa chất cũng như chất thải độc hại đối với sức khỏe con người và môi trường thiên nhiên.
Hội nghị của LHQ diễn ra khi mối nguy hại chết người của hoá chất, đặc biệt là việc lạm dụng hoá chất trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, dù đã được nhận diện từ rất sớm, song trớ trêu là không những không giảm bớt mà còn ngày càng gia tăng. Theo Chương trình môi trường LHQ (UNEP), tổng giá trị của hoá chất được sử dụng trên toàn cầu đã tăng vọt từ 171 tỷ USD năm 1970 lên 4.120 tỷ USD vào năm 2010, tức gần gấp 25 lần. Đáng lo ngại hơn là hoá chất đang được sử dụng tràn lan trong các ngành sản xuất, song lại không được áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường tương xứng.
Trong khi đó, số liệu thống kê chính thức đưa ra tại hội nghị cũng cho thấy, hiện nay trung bình mỗi năm toàn thế giới sử dụng khoảng 400 triệu tấn hóa chất, tăng 400 lần so với hơn 1 triệu tấn của những năm 1930. Do sử dụng tràn lan nên trung bình mỗi năm, hóa chất và chất thải độc hại đã cướp đi sinh mạng của khoảng 47.000 người và làm hàng triệu người trên thế giới bị nhiễm các loại bệnh cực kỳ nguy hiểm.
Ban Thư ký Công ước Stockholm về các chất hữu cơ gây ô nhiễm lâu dài (POP) cho biết, các chất POP như thuốc trừ sâu độc hại, các hóa chất công nghiệp độc có thể gây chết người, phá hoại hệ miễn dịch và hệ thần kinh, gây ung thư và rối loạn sinh sản cũng như phá hoại sự phát triển bình thường của bào thai và trẻ em. Hàng triệu người bị nhiễm các bệnh nguy hiểm không chỉ khiến họ giảm hoặc mất hẳn khả năng lao động mà còn gây tốn kém cho người bệnh, xã hội và ngân sách.
Do vậy, khi lên tiếng tại hội nghị, các ý kiến đều bày tỏ mối lo ngại trước việc con người sử dụng ngày càng nhiều hóa chất trong sản xuất và cuộc sống, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và tác động xấu tới môi trường xung quanh. Theo ban tổ chức hội nghị, cộng đồng dân cư sinh sống tại các nước đang phát triển luôn là nạn nhân chính của các loại hóa chất và chất thải độc hại, bởi trong quá trình lao động sản xuất, họ thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, song lại thiếu phương tiện phòng chống hoặc không có đầy đủ kiến thức về những tính năng độc hại của các loại hóa chất này.
Nhằm đối phó với “sát thủ giấu mặt”, UNDP cho biết, cơ quan này đang phối hợp cùng UNEP thực hiện dự án giúp đỡ một số quốc gia thành viên LHQ đề ra kế hoạch kiểm soát các loại hóa chất và chất thải độc hại, đồng thời, trang bị những dụng cụ phòng chống cần thiết, cũng như cung cấp kiến thức về sự độc hại của hóa chất cho những người phải trực tiếp tiếp xúc với hóa chất lẫn cộng đồng xung quanh. Nhìn về dài hạn, UNEP khuyến nghị chính phủ các nước phải đề ra các chính sách quản lý hóa chất lâu dài, không những để ngăn chặn các thiệt hại mà còn để cải thiện việc làm và phát triển công nghệ xanh.