ThienNhien.Net – Trên sông Sêrêpôk hiện có sáu đập thủy điện lớn chặn ngang dòng và một công trình thu gần hết nước đoạn sông dài khoảng 20km đổ sang kênh đào. Môi trường và nguồn lợi thủy sản đang chịu những tổn hại không thể bù đắp.
Hắt hiu “ dòng chảy sinh thái”
“Lượng nước quá hẻo mà thủy điện trả lại cho lòng sông mùa khô khiến hoạt động của các dịch vụ du lịch gặp vô số khó khăn. Sêrêpôk bị các con đập chặn dòng, các loài cá ngon trước đây hấp dẫn du khách như cá lăng, sọc dưa, mõm trâu, tắc kè giảm hẳn, thác nước từ chỗ đổ sầm sập nay chỉ còn chảy lơ thơ, mất vẻ thơ mộng, doanh thu của Cty tôi giảm sút khoảng 40%/ năm” – Ông Nguyễn Trụ – Chủ tịch HĐQT Cty Du lịch Sinh thái Bản Đôn |
Sêrêpôk dài 315 km, diện tích lưu vực 30.100km2, là dòng sông lớn thứ hai trên Tây Nguyên, sau Sê San ở Gia Lai – Kon Tum. Được hợp thành bởi 2 nhánh Krông Ana (sông Cái), Krông Knô (sông Đực) bắt nguồn từ nhiều lũng núi Nam Trường Sơn, Sêrêpôk không đổ thẳng ra biển Đông như các con sông khác mà ngược sang Campuchia, chảy vòng vèo hết cao nguyên tới đồng bằng rồi mới hòa vào Mê Kông chảy ra biển. Trên đất Việt, chiều dài 125 km của Sêrêpôk chảy qua 2 tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông và một phần tỉnh Lâm Đồng.
Ông Dương Chí Dũng, Trưởng phòng Kỹ thuật – An toàn – Môi trường, Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết: Hiện nay trên mặt sông Sêrêpôk đã có 6 con đập lớn tạo hồ chứa cho các nhà máy thủy điện (TĐ) chắn ngang dòng là TĐ Buôn Tuôr Sar, TĐ Buôn Kuôp, TĐ Hòa Phú, cụm 4 nhà máy dùng chung đập TĐ Đray H’ling, TĐ Sêrêpôk 3, và TĐ Sêrêpôk 4.
Theo quy hoạch đã được duyệt, đập chắn sông thứ 7 và là đập cuối cùng trên sông Sêrêpôk thuộc về công trình TĐ Đrăng Phôk, hiện đã hoàn thành hồ sơ thiết kế nhưng chưa thi công. Tổng công suất các nhà máy sử dụng 7 bậc thang TĐ ngăn sông này là 819, 48 MW.
Dự án TĐ Sêrêpôk 4A (S4A) nằm tiếp sau TĐ Sêrêpôk 4 (S4), không cần đắp đập, tận thu nguồn nước từ S4 dẫn sang kênh tạo cao trình trước khi đổ xuống tuabin nhà máy, rồi chảy theo kênh đào 4km nữa trước khi trả lại sông Sêrêpôk.
Toàn bộ công trình nằm trên các xã Ea Wer, Ea Huar, Krông Na (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk), công suất lắp máy 64MW, điện lượng trung bình năm khoảng 308,35 triệu kWh, tổng mức đầu tư cập nhật do trượt giá gần 2 nghìn tỷ đồng do Công ty cổ phần Thủy điện Buôn Đôn làm chủ đầu tư.
Đoạn sông cong bị mất dòng do TĐ S4A dài khoảng 20 km, vốn là một phần ranh giới tự nhiên của Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Theo bản báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt, lưu lượng nước TĐ S4A phải bảo đảm trả lại dòng chảy sinh thái (DCST) cho đoạn sông bị mất dòng trong mùa khô là 8,23m3/s. Ngoài ra, đoạn sông mất dòng này còn được bổ sung bình quân khoảng 9m3/s bởi vài con suối nhỏ.
So với lưu lượng DCST phải trả lại cho sông đối với một số công trình TĐ lớn khác phía thượng nguồn chỉ 5m3/s, thì DCST theo lý thuyết cho đoạn sông mất dòng có vẻ cũng… khá xôm! Nhưng thực tế, với độ rộng mênh mang của lòng sông mà dòng chảy truyền thống cuồn cuộn từ nước vài trăm đến hàng nghìn mét khối nước trên giây, thì cái gọi là DCST kia về mùa khô chỉ đủ “tráng lòng sông”, làm sao nuôi dưỡng các loài thủy sản? Mặt khác, sông khô nước sẽ tạo điều kiện cho lâm tặc càng thuận lợi xâm nhập vào vùng lõi Vườn quốc gia để khai thác và vận chuyển gỗ trái phép.
Thực tế, không có cơ quan chức năng nào ràng buộc, giám sát các bên liên quan phải thực thi đủ trách nhiệm đối với việc bảo toàn môi trường và hệ thủy sản trên sông.
Ông Hoàng Xuân Hồng – Trưởng ban Khoa học Công nghệ Hội Đập lớn VN nói: “Có 2 vấn đề cốt tử trong xây dựng công trình TĐ: An toàn là yếu tố bậc nhất và đầu tiên, cho bản thân công trình và an toàn cho đời sống người dân ở hạ lưu. Thứ hai là đảm bảo môi trường, thế cân bằng và nguồn sinh thủy trên thượng lưu vững chắc, dưới hạ lưu không bị đe dọa phá hủy. Trong quy chuẩn quốc gia VN 04-05 mới ban hành ngày 26/6/2012 có những điều khoản quy định về lưu lượng dòng chảy sinh thái mà công trình phải trả cho vùng hạ lưu tối thiểu 90% lưu lượng mùa khô; Tùy theo yêu cầu sử dụng, một số đập chặn dòng phải chú ý thiết kế thêm cửa ngăn nước, cửa xả nước, cửa lấy nước, công trình giao thông thủy, phải chừa đường cá đi”.
Ông Hồng cũng cho rằng, đây là sự xa xỉ ở Việt Nam: Nửa thế kỷ gắn bó với ngành thủy lợi thủy điện, ông Hồng chưa từng thấy đập ngăn dòng nào ở VN có chừa đường cá đi.
Trong khi nhiều nước trên thế giới rất quan tâm về việc đó. Hỏi vì sao cho tới nay, chưa có cá nhân tập thể nào khiếu nại việc các đập TĐ chặn dòng gây tổn thất nguồn thủy sản trên sông Sêrêpôk?
Thay câu trả lời, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đắk Lắk Nguyễn Doãn Thành giúp tôi liên lạc với tiến sĩ Phan Đinh Phúc – Nghiên cứu viên chính, Giám đốc Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III có văn phòng đặt tại TP Buôn Ma Thuột.
Tiến sĩ Phúc cho biết, Viện từng điều tra nhanh và có báo cáo cho Ủy hội Mêkông về hiện trạng nghề cá trên lưu vực sông Sêrêpôk từ năm 2008, xác định tiềm năng về nguồn lợi đánh bắt tự nhiên trong lưu vực là rất lớn, cần sớm có những phương hướng khai thác một cách hiệu quả và bền vững.
Tuy nhiên Viện chưa có điều kiện nghiên cứu sâu hơn đủ để đưa ra kiến nghị về giảm thiểu tác hại, nhất là với thực trạng hàng loạt đập TĐ chặn sông đã hình thành, tất yếu dẫn đến những thiệt hại không thể khắc phục về môi trường và thủy sản như hiện nay.
Trong lưu vực Sêrêpôk có khoảng 200 loài cá trong đó 8 loài cá nhập nội, 41 loài có giá trị kinh tế và 14 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam… Đặc biệt ở huyện Buôn Đôn có nhiều loài cá bản địa có kích thước lớn và số lượng nhiều như sọc dưa (Probarbus jullieni Sauvage) 52 kg (1997), cá lăng (Mystus wyckioides) 50 kg (1997), cá mõm trâu (Bangana behri) 15 kg (2004), cá tắc kè (Bagarius yarrelli Sykes, B. bagarius) 24 kg (2000)…
Trích Điều tra nhanh của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III |