ThienNhien.Net – Sáng ngày 28/11, tại Hà Nội, Trung tâm Quan trắc Môi trường (Tổng cục Môi trường) tổ chức hội thảo góp ý cho chương trình tổng thể quan trắc tác động đến môi trường của hoạt động thủy điện tại khu vực Tây Nguyên, giai đoạn 2013-2017. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường T.S Hoàng Dương Tùng chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc, T.S Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, những năm vừa qua, việc phát triển các công trình thủy điện lớn, vừa và nhỏ ở khu vực Tây Nguyên tạo nguồn cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, tạo cảnh quan môi trường, phát triển du lịch tạo công ăn việc làm… Nhưng bên cạnh sự phát triển đó là những hệ lụy như xâm hại rừng, tài nguyên rừng, diện tích rừng bị chiếm dụng, các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên bị đe dọa… tạo những dòng sông chết làm cho vùng hạ lưu thiếu nước do việc chặn dòng để chuyển nước, giảm lưu lượng nước về vùng hạ lưu, mất đất canh tác cho các hộ dân, chuyển dịch cơ cấu sản xuất của người dân.
Trước những vấn đề về môi trường nêu trên, Tổng cục Môi trường thiết kế tổng quan trắc tác động đến môi trường của hoạt động thủy điện tại khu vực Tây Nguyên, giai đoạn 2013-2017 nhằm có được chương trình quan trắc tổng thể để đảm bảo tính khoa học, đại diện và khả thi phục vụ theo dõi, đánh giá các tác động đến môi trường của hoạt động thủy điện tại khu vực Tây Nguyên mà cụ thể là từ các chương trình thủy điện có quy mô và công suất lớn là: Buôn Kuốp (Đắk Lắk), Ialy và Sêsan 4 (Gia Lai).
Đối tượng quan trắc tập trung vào các đoạn sông, suối bổ cập nước cho hồ chứa, khu vực nhận nước xả của nhà máy thủy điện, các vị trí quanh hồ chứa có ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng đến nhu cầu sử dụng nước và khu vực hạ lưu sông.
Vị trí các điểm quan trắc phải đảm bảo tính đại diện và đặc trưng và tối ưu hóa mạng lưới điểm quan trắc, đảm bảo đúng mục tiêu của chương trình quan trắc đã thiết kế là nhằm theo dõi, đánh giá được tác động do hoạt động của các công trình thủy điện đến môi trường nước các sông.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến, bổ sung nhằm hoàn thiện chương trình tổng thể quan trắc về các số điểm quan trắc, thời gian, tần suất quan trắc, phương pháp quan trắc, thông số chỉ tiêu quan trắc… để sớm trình Lãnh đạo Tổng cục ban hành.