ThienNhien.Net – Phát triển sản xuất song song với bảo đảm các tiêu chí về môi trường là vấn đề bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp. Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường đã được thực thi, nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp (KCN) chưa bao giờ thôi nóng, nhất là với các tỉnh phát triển công nghiệp mạnh như Bắc Ninh.
“Môi trường trong KCN chấp nhận được”
Nhà máy xử lý nước thải của KCN Tiên Sơn (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) nằm trên một khu đất rộng chừng 2 ha. Dẫn chúng tôi đi thăm nhà máy, ông Nguyễn Đạt Hiếu, Phó quản đốc phân xưởng Dịch vụ Môi trường Viglacera (đơn vị quản lý KCN) cho biết, sau khi KCN Tiên Sơn được khởi công xây dựng và đi vào vận hành không lâu, Viglacera đã khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải công nghiệp với công suất 2.000 m3/ ngày đêm. Đây cũng là trạm xử lý nước thải công nghiệp đầu tiên trong KCN tập trung được xây dựng và đưa vào vận hành trên địa bàn Bắc Ninh.
Trạm sử dụng công nghệ “Xử lý sinh học hiếu khí bằng bùn hoạt tính”, kết quả sau xử lý cho ra loại nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường TCVN 5945 – 2005 loại A và được dẫn chảy qua hồ điều hòa trước khi thải ra hệ thống thoát nước chung của khu vực. Bùn lắng từ bể lắng cũng được bơm vào bể chứa, sau đó bơm vào máy tách bùn ép nước và chở đến bãi thải theo đúng quy định về môi trường.
Ông Hiếu cho biết, từ khi đi vào hoạt động, trạm đã góp phần xử lý căn bản tình trạng nước thải ô nhiễm chưa qua xử lý tác động xấu đến sản xuất và đời sống của người dân xung quanh KCN. Hiện Viglacera đang xây dựng giai đoạn 2 để đáp ứng yêu cầu của những doanh nghiệp mới vào thuê đất. Theo ông Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc Xí nghiệp quản lý vận hành khu công nghiệp Yên Phong I, xây dựng nhà máy nước thải là hoạt động “nhất cử lưỡng tiện”, vừa giúp xử lý ô nhiễm môi trường, vừa góp phần hoàn thiện đầy đủ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật như cấp điện, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải…, tạo cho KCN lợi thế thu hút đầu tư.
Ông Hà Minh Họa, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Bắc Ninh khẳng định vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý nguồn nước thải luôn được tỉnh đặt lên hàng đầu. Hiện có 4 KCN tập trung (Tiên Sơn, Quế Võ I, Yên Phong I, VSIP) đã xây dựng được nhà máy xử lý nước thải, 3 khu đang xây dựng, hướng tới mục tiêu mỗi KCN có một nhà máy xử lý nước thải đáp ứng tiêu chuẩn.
Xuất phát từ đặc thù nguồn nước thải chung của KCN tiếp nhận từ nhiều nguồn xả thải (sinh hoạt, sản xuất thực phẩm, cơ khí…) của nhiều doanh nghiệp nên tính chất, nồng độ ô nhiễm, lưu lượng xả thải đầu vào đã được giám sát chặt chẽ theo hệ thống. Ông Họa nhận định: “Tuy chưa thể coi là sạch 100% nhưng so với những tỉnh thành có mức độ phát triển công nghiệp tương tự như Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… thì tình hình môi trường trong các KCN tập trung của Bắc Ninh là chấp nhận được”.
Tỉnh Bắc Ninh đã quy hoạch 15 KCN, trong đó 7 khu đã đi vào hoạt động, các KCN Tiên Sơn, Quế Võ I, Yên Phong I, Đại Đồng – Hoàn Sơn đều lấp đầy trên 80%. Các KCN đóng góp phần lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, ước đạt trên 73.000 tỷ đồng sau 10 tháng năm 2012 (tăng 42% so với cùng kỳ 2011), mục tiêu cả năm 2012 đạt trên 80.000 tỷ. |
Cắt điện, cắt nước những doanh nghiệp vi phạm
“Chúng tôi cố gắng đáp ứng tốt nhất yêu cầu xử lý của các doanh nghiệp trong KCN Tiên Sơn và họ đều phải đấu nối với đường ống đưa nước thải về nhà máy xử lý tập trung. Dù luôn trải thảm đỏ với các nhà đầu tư nhưng những đơn vị vi phạm xả thải, không đấu nối vào đường ống thì chúng tôi sẵn sàng áp dụng những biện pháp mạnh tay như cắt điện, cắt nước,” – ông Nguyễn Đạt Hiếu khẳng định.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Tiệp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Bắc Ninh, khi quy hoạch các KCN tập trung, diện tích đất dành cho môi trường được dành phần đáng kể. Ví như KCN Tiên Sơn, trong tổng quy mô diện tích 349 ha thì diện tích đất công nghiệp dành cho các nhà đầu tư thứ cấp là 226 ha (chiếm 65% tổng quy mô diện tích), còn lại là đất dành cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ và hệ thống cây xanh.
Tỉnh cũng lựa chọn nhà đầu tư có công nghệ cao đăng ký vào các khu công nghiệp nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường. Nếu công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường sẽ không được chấp thuận, dù nhà đầu tư có trả mức phí cao.
Song song với điều đó, tỉnh cũng đã xây dựng hệ thống “Khu công nghiệp hỗ trợ Việt Nam -Nhật Bản” tại KCN Quế Võ I bao gồm nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Canon, Tabuchi, Tenma, Mitsuwa và một số doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện, các chi tiết máy, phụ tùng cho Canon hoặc các doanh nghiệp Nhật Bản khác; hoặc tạo lập ngành công nghiệp mũi nhọn là điện tử tại KCN Yên Phong I với Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc); lập KCN VSIP với Tập đoàn điện tử Nokia (Thụy Điển)…
Bắc Ninh hiện cũng quy hoạch 60 ha tại huyện Quế Võ phục vụ cho các dự án xử lý chất thải sinh hoạt và công nghiệp, xúc tiến xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn tại từng KCN tập trung, dự kiến quý 1 năm 2013 sẽ đưa vào vận hành nhà máy đầu tiên tại KCN Yên Phong I với công suất 50 tấn/ngày.
Nhằm tăng cường giám sát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp, ông Hà Minh Họa cho biết, tỉnh đang phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng mô hình thí điểm theo dõi trực tuyến tình hình xả thải của các KCN trước khi áp dụng đồng loạt. “Đó là quá trình dài hơi, không thể trong ngày một ngày hai, nhưng nếu quyết tâm, tôi nghĩ là Bắc Ninh sẽ hoàn thành việc này”, ông Họa khẳng định.
(còn nữa)