ThienNhien.Net – Đây không phải lần đầu tiên mà cách đây 3 năm huyện Gio Linh (Quảng Trị) cũng đã tổ chức bán đấu giá nhiều héc ta rừng với giá rẻ mạt gây thất thoát tài sản của nhà nước.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Trị ngày 19/12/2011, UBND huyện Gio Linh đã ra quyết định chỉ định cho bốn doanh nghiệp đựơc phép khai thác 260 héc ta rừng trồng hơn 10 năm tuổi, thuộc dự án 66 ở xã Linh Thượng.
Với giá bán gần 1,2 tỷ đồng, bốn doanh nghiệp này chỉ phải nộp cho nhà nước trên 4 triệu đồng/héc ta, thấp hơn giá thực tế gấp nhiều lần. Tìm hiểu về chủ trương không tổ chức bán đấu giá công khai mà chỉ định thầu, lãnh đạo UBND huyện Gio Linh cho biết.
“Theo đề nghị của Uỷ ban Dân tộc miền núi phải giao đất nhanh, để thực hiện dự án định canh định cư. Và theo đề nghị của Ban quản lý 661 và theo thông tư 58 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên chúng tôi đã cho đơn vị trực tiếp trồng cao su sẽ đựoc chỉ định thầu”, ông Nguyễn Quang Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Gio Linh, cho biết.
Mặc dù được qui định rõ ràng trong thông tư 58 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng trong bốn doanh nghiệp được chỉ định thầu, chỉ có một doanh nghiệp duy nhất đựợc tỉnh Quảng Trị cấp đất trồng cao su là được khai thác. Còn lại ba doanh nghiệp kia vẫn được chỉ định khai thác, trong khi không thông qua đấu giá công khai.
Gần 10 tháng sau khi phát hiện ra sai phạm, ngày 24/9/2012 tỉnh Quảng Trị đã gửi công văn số 3010 đình chỉ việc khai thác rừng trồng dự án 661 ở xã Linh Thựợng. Tuy nhiên, lúc ấy ba trong số bốn doanh nghiệp được huyện Gio Linh chỉ định khai thác, đã tiến hành khai thác trái phép 140 héc ta/260 héc ta rừng của dự án 661 hơn 10 năm tuổi.
Không dừng lại ở các sai phạm trên, ngày 9/12/2012 Ban quản lý dự án 661 Nam Bến Hải còn tự ý tổ chức bán đấu giá 120 héc ta rừng còn lại cho ba doanh nghiệp với giá khởi điểm gần 260 triệu đồng, bình quân 1 héc ta trên 2 triệu đồng.
Việc đấu giá thiếu minh bạch đã được tiến hành tại công ty Đất Việt ở thành Phố Đông Hà, doanh nghiệp này đã trúng thầu khai thác 120 héc ta rừng còn lại với giá 270 triệu đồng, cao hơn giá khởi điểm 10 triệu đồng.
Rõ ràng Ban quản lý rừng 661 Nam Bến Hải, đã câu kết với doanh nghiệp thậm chí một số ngành chức năng ở tỉnh Quảng Trị tổ chức bán đấu giá rừng 661 sai quy định, không đúng với trị giá thực tế gây thất thoát tài sản của nhà nuớc. Vì vậy, đã đến lúc tỉnh quảng Trị cần có những biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn những việc làm sai trái này, đảm bảo tài sản nhà nuớc.