ThienNhien.Net – Phân loại rác thải là một khâu quan trọng trước khi đưa vào xử lý và để tái sử dụng hiệu quả. Máy phân loại rác thông minh điều khiển từ xa của kỹ sư Lại Minh Chức với khả năng tách rác thành 7 nhóm vật chất riêng biệt là giải pháp hiệu quả cho vấn đề này.
Hiện nay, việc phân loại rác thải tại nguồn ở các nước phát triển được thực hiện khá hiệu quả nhưng ở nước ta thì vẫn còn nhiều khó khăn. Theo thống kê, chỉ tính riêng TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày có khoảng 10.000 – 11.000 tấn các loại chất thải rắn (không kể các loại bùn thải).
Trong khi đó, rác cũng là một loại tài nguyên nhưng chỉ có giá trị khi được phân loại đúng cách.
Trên thực tế, rác thải tổng hợp ở nước ta quá phức tạp. Không chỉ đơn giản là rác thải sinh hoạt mà trong đó chứa hầu hết lượng rác thải y tế cùng với các chất thải xây dựng và công nghiệp. Điều này khiến cho các dây chuyền, thiết bị xử lý rác ở nước ta dù chủ yếu được nhập từ nước ngoài khá hiện đại nhưng cũng không thể đáp ứng được yêu cầu của vấn đề phân loại rác và các nhà máy xử lý rác vẫn rất cần đến sự tham gia trực tiếp của công nhân để phân loại rác trước khi đưa vào xử lý. Và bên cạnh bài toán về chi phí, thời gian còn là vấn đề sức khỏe của nhân công trong môi trường độc hại.
Dây chuyền thiết bị phân loại rác sơ cấp của kỹ sư Lại Minh Chức được chế tạo với 18 thiết bị điện công nghệ nhằm khắc phục những tồn tại trên. Hệ thống hoạt động bằng điều khiển từ xa qua hình ảnh, kết hợp với sóng rađio để điều khiển, xử lý kích thước và phân loại sơ cấp rác thải, với công suất gần 200 tấn/ngày.
Máy hoạt động theo các công đoạn như loại bỏ rác thải cá biệt; tự động phân phối lượng rác vào máy cắt phù hợp với từng loại rác, cho phép tách rác thành từ 6-7 nhóm vật chất nhờ đó tạo điều kiện để thu hồi từ 80-90% nilon màng mỏng, 90-95% chai lọ nhựa và kim loại tổng hợp. Đặc biệt, thiết bị băm cắt thông minh tự lựa, cho phép chỉ cắt xé bao, gói và chỉ cắt nhỏ rác hữu cơ có nguồn gốc động thực vật theo yêu cầu của công nghệ ủ sinh học để sản xuất phân bón vi sinh phục vụ cho nông nghiệp. Các kim loại và các loại phế thải dẻo cũng được phân loại phù hợp với công nghệ tách lọc. Các loại rác khác được cắt xé theo yêu cầu của công nghệ phân loại và tái chế.
Kỹ sư Lại Minh Chức chia sẻ: Do dây chuyền nhỏ gọn với thể tích 60m3 và tự động 100% nên cho phép thực hiện cả quá trình tiếp nhận rác và phân loại trong không gian khép kín (nhà kính), nhờ đó kiểm soát được sự phân tán khí có mùi độc hại, vi khuẩn gây bệnh ra môi trường, loại bỏ nguy cơ nhiễm bệnh, hoặc gây cháy nổ. Và với dây chuyền thiết bị này, việc phân loại xử lý rác đạt hiệu quả cao hơn hẳn mà năng lượng điện sử dụng chỉ bằng 30% so với công nghệ của Bỉ đang được ứng dụng tại Hà Nam hiện nay.
Dây chuyền thiết bị này được chế tạo thành công cũng đã mở ra một hướng đi mới trong công nghệ phân loại và xử lý rác thải rắn ở Việt Nam, giúp giảm được 100% chi phí công nhân phân loại rác bằng tay; đồng thời giảm diện tích chôn lấp, giải phóng quỹ đất, giúp bảo vệ môi trường và sức khoẻ cho người lao động.
Công trình của kỹ sư Lại Minh Chức cũng đã được Hội đồng Khoa học tỉnh Hà Nam nghiệm thu xuất sắc và đang trong thời gian chờ cấp bằng độc quyền sáng chế.
Kỹ sư Lại Minh Chức vẫn tiếp tục thử nghiệm và nghiên cứu để hoàn thiện hơn công dụng của thiết bị. Mới đây, trong một diễn đàn chuyên sâu về khoa học và công nghệ, thông qua chương trình “Sáng tạo Việt” với chủ đề “Công nghệ mới để xử lý và phân loại chất thải hiệu quả”, với sự tham gia các chuyên gia về lĩnh vực môi trường và xử lý chất thải, cùng những đóng góp từ ý tưởng sáng tạo mới độc đáo của các sinh viên đến từ hai trường Trường Đại học Bách Khoa và Đại học Công nghệ- ĐHQGHN, kỹ sư Lại Minh Chức mong muốn đây sẽ là cơ hội để công nghệ mới này của ông tiếp tục được hoàn thiện và sớm được ứng dụng rộng rãi, giải quyết một phần vấn nạn rác thải rắn đô thị đang còn nhức nhối ở nước ta hiện nay.