ThienNhien.Net – Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, diện tích rừng tràm cừ của tỉnh đã giảm từ 70.000 ha (năm 1995) xuống còn hơn 37.000 ha hiện nay, trung bình mỗi năm giảm từ 4.000-5.000 ha làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái vùng ngập lũ ở vùng Đồng Tháp Mười.
Trước đây, cây tràm cừ chủ yếu phục vụ cho xây dựng, có lúc giá tăng lên 80-120 triệu đồng/ha nhưng hiện nay tràm dùng làm chất đốt, xây dựng chỉ sử dụng khoảng 30-40%, giá chỉ còn 15-17 triệu đồng/ha tràm trồng từ 6-7 năm tuổi. Do không có lãi nên nhiều người dân phá tràm, chuyển sang trồng lúa, nuôi cá, cho hiệu quả kinh tế mỗi năm từ 40-100 triệu đồng/ha.
Anh Võ Văn Tài, Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Tân Hưng (huyện đầu nguồn lũ của tỉnh) cho biết: Trước năm 1996, Tân Hưng có gần 10.000 ha tràm, mỗi khi lũ lớn về diện tích rừng tràm đóng vai trò rất quan trọng, cản trở hạn chế dòng chảy nước lũ, bảo vệ hạ tầng giao thông, đê bao, nhà cửa của dân, trường học không bị sạt lở. Tuy nhiên, hiện tại diện tích tràm chỉ còn dưới 4.000 ha nên sau này khi lũ về sẽ không phát huy được tác dụng cản trở dòng chảy, hệ sinh thái cũng giảm 50-60% so với trước.
Đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Thạnh Hóa cho biết thêm: Diện tích rừng tràm của huyện hiện còn hơn 11.000 ha nhưng cứ vào tháng 6-7 hàng năm, bà con thuê lao động phá gốc tràm chờ lũ về ngâm rửa phèn mặt ruộng; khi lũ vừa rút xuống bà con tiếp tục phá gốc tràm sang mặt bằng cải tạo đồng ruộng để trồng lúa cho nên cây tràm hiện không còn là cây mũi nhọn kinh tế của vùng Đồng Tháp Mười, không còn làm vai trò bảo vệ vùng sinh thái và cản trở dòng chảy nước lũ ở thượng nguồn đổ xuống.
Từ đầu tháng 7/2012 đến nay, diện tích rừng rừng tràm ở Long An giảm gần 3.000 ha. Tuy vậy, tỉnh vẫn chưa tìm ra giải pháp hiệu quả để khôi phục diện tích rừng tràm nhằm bảo vệ môi trường sinh thái vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười và hạn chế dòng chảy mỗi khi lũ đổ xuống. Trên thực tế, mặc dù tỉnh đã có quy hoạch nhưng chưa chú trọng đầu tư vốn, cây con để khuyến khích nông dân trồng tràm, hệ thống thuỷ lợi, hệ thống phòng chống cháy rừng mùa khô cũng chưa đồng bộ nên chính quyền địa phương thấy bà con phá gốc tràm chuyển sang cây trồng khác cũng đành chịu.