ThienNhien.Net – Ngày 22/11, tại thành phố Cần Thơ, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã phối hợp Nhóm công tác về biến đổi khí hậu của các tổ chức phi chính phủ và mạng lưới các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Đối thoại và chia sẻ về thích ứng biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.”
Hội thảo nhằm chia sẻ và cập nhật các khuôn khổ chính sách mới liên quan đến biến đổi khí hậu, tăng cường đối thoại và trao đổi thông tin giữa cấp trung ương và cấp địa phương về xây dựng kế hoạch và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, lồng ghép biến đổi khí hậu vào các kế hoạch phát triển của địa phương và thúc đẩy tiềm năng hợp tác giữa chính phủ và các tổ chức phi chính phủ trong thực hiện các kế hoạch và chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thúc đẩy đối thoại và chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng kế hoạch hành động cấp tỉnh nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng và lồng ghép trong vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các tổ chức phi chính phủ cũng đã chia sẻ những hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu thực hiện tại cộng đồng. Qua đó, tăng cường hơn nữa sự hợp tác và chia sẻ thông tin, các bên đã thảo luận để cùng hợp tác xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong khu vực.
Theo đánh giá của Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng nhất đối với toàn nhân loại, ảnh hưởng sâu sắc và làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội toàn cầu. Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn.
Ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam phải gắn liền với phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế các-bon thấp, tận dụng các cơ hội để đổi mới tư duy phát triển, nâng cao nặng lực cạnh tranh và sức mạnh quốc gia; đồng thời tiến hành các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, trong đó ở thời kỳ đầu thích ứng là trọng tâm.
Trong thời gian tới, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Việt Nam nói riêng phải có tính hệ thống, đồng bộ, liên ngành, liên vùng, trọng tâm trọng điểm phù hợp với từng giai đoạn và các quy định quốc tế, dựa trên cơ sở khoa học kết hợp với kinh nghiệm truyền thống và kiến thức bản địa; tính đến hiệu quả kinh tế xã hội và các yếu tố rủi ro của biến đổi khí hậu. Đặc biệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu phải có tầm nhìn xuyên thế kỷ, là nền tảng cho các chiến lược khác.