ThienNhien.Net – Sáng 21/11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, một số đại biểu đề nghị dự án Luật cần quy định rõ thêm chủ trương đầu tư cho phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai theo hướng hiện đại hóa công tác dự báo thiên tai về cả trang thiết bị, trình độ dự báo, cảnh báo.
Dẫn chứng về vai trò của dự báo thiên tai, đại biểu Phạm Thị Phương (Hà Tĩnh) nêu lại những trường hợp đã tổn thất lớn vì dự báo, cảnh báo không kịp thời như trận mưa lớn tại Hà Nội vào tháng 11/2008 đã làm thiệt hại 3.000 tỷ đồng, cơn bão Linda vào tháng 5/2007 đã làm chết 941 người, mất tích 2.142 người trên khu vực biển Nam bộ. Do vậy, theo đại biểu, để có thông tin, cảnh báo chính xác cần có sự đầu tư thỏa đáng về tài chính, trí tuệ để nâng cấp các hệ thống quan trắc, khí tượng, thủy văn, hải văn, địa chấn.
Về 6 nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai, nhiều đại biểu đề nghị dự Luật khẳng định vai trò chủ đạo, trách nhiệm chính của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai. Ngoài ra, bổ sung những nguyên tắc cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương, đồng thời làm rõ nguyên tắc lồng, ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội cũng như các chương trình phát triển kinh tế, xã hội và chương trình mục tiêu quốc gia.
Đối với quy định về nguồn lực tài chính cho hoạt động phòng, chống thiên tai, các đại biểu đề nghị khẳng định vai trò của Nhà nước trong việc chủ động bố trí ngân sách cho hoạt động này, làm rõ sự đóng góp bắt buộc hay tự nguyện của nhân dân, của cộng đồng và mô hình quản lý quỹ, việc sử dụng, quản lý các quỹ.
Dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận và thông qua tại Kỳ họp thứ 5, diễn ra vào giữa năm 2013.